CHỦ ĐỀ 3: NHỮNG NÉT LINH ĐẠO NỀN TẢNG ĐƯỢC GỢI HỨNG TỪ ANH CHARLES DE FOUCAULD

Ab. Nabons-Wendé Honoré SAVADOGO, Burkina

Charles de Foucauld “đã thực hiện một cuộc hành trình biến đổi cho đến khi anh ấy cảm thấy mình là người anh em của tất cả mọi người. [..] Anh định hướng lý tưởng dâng hiến trọn vẹn con người anh dành cho Thiên Chúa và đi đến sự đồng hóa với người cuối cùng, người bị bỏ rơi ở vùng sâu của sa mạc Châu Phi.” (Thông điệp Fratelli tutti, 286-287)

Sự đa dạng trong gia đình thiêng liêng của Charles de Foucauld thật ấn tượng. Chúng ta có thể tìm thấy trong đó tất cả các bậc sống khác nhau của đời sống Kitô hữu: giáo dân, nam nữ tu sĩ có đời sống hoạt động hoặc chiêm niệm, giáo dân sống đời thánh hiến, linh mục và giám mục. Tất cả thành quả đều rút ra nguồn cảm hứng phong phú và phù hợp từ kinh nghiệm thiêng liêng của Anh Charles. Chúng ta thường quên những người không phải Kitô hữu và ngay cả những người không có nhiều thực hành tôn giáo nhưng họ vẫn cảm nhận được cảm hứng từ kinh nghiệm của Charles. Bí quyết cho một tinh thần sâu thẳm và vượt mọi biên giới này, trước hết là sự trung tín với Tin Mừng. Một người hướng đời sống của mình càng gần với Tin Mừng bao nhiêu thì càng hấp dẫn và phù hợp với tất cả các Kitô hữu bấy nhiêu. Bên cạnh lòng trung tín với Tin Mừng, Anh Charles đã trải qua tất cả các bậc sống của đời sống Kitô giáo: một tín hữu giáo dân đã đánh mất và đã tái khám phá đức tin của mình, một tu sĩ chiêm niệm và ẩn tu, một linh mục “tự do”: vừa là linh mục dòng vừa là triều theo cách riêng của mình, một nhà truyền giáo phi thường. Kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc và đa dạng của Charles de Foucauld ẩn chứa sự tồn tại của một số yếu tố cơ bản chung cho tất cả những ai nhận mình là một phần trong gia đình thiêng liêng của Anh. Những yếu tố như vậy không nên thiếu trong đời sống thiêng liêng của bất kỳ ai muốn theo Chúa Giê-su, lấy cảm hứng từ mẫu thức kiểu Foucauld (Foucauldian).

1. Linh đạo của trái tim: biến tôn giáo thành tình yêu

Trước hết và trên hết, đó là tình yêu và lòng thương xót. Trái tim, điểm tựa và biểu tượng của tình yêu, là biểu hiệu của Anh Charles, là yếu tố trọng tâm, riêng biệt và đặc trưng trong linh đạo của Anh ấy. Kể từ khi trở lại, Anh muốn trái tim mình trở nên giống trái tim Đức Kitô. Trong suốt cuộc đời đầy biến cố của mình, Anh đã làm mọi thứ theo sức mình để biến đổi trái tim mình và mở ra và nương theo sự vô biên của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tình yêu không ngơi dành cho Thiên Chúa và loài người là lý do chính cho tất cả những thay đổi và những biến chuyển không ngờ trong cuộc sống của Anh. Trong lời cầu nguyện của mình, Anh không ngừng kêu xin Chúa Giê-su mang triều đại tình yêu của Ngài vào thế gian. Chúng ta quen thuộc với lời nguyện phó thác của Anh Charles, nhưng lời cầu khẩn thường xuyên trên môi anh là: “COR JESU sacratissimum, adveniat Regnum tuum! (Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, nguyện cho Triều đại ngài trị đến!). Anh thích nói rằng nền tảng của đời sống tâm linh và tôn giáo là trái tim và tình yêu. Những gì Anh đã viết trong quy luật của hiệp hội mà Anh muốn thiết lập vẫn còn hiệu lực cho tất cả những ai muốn theo Anh: “Chúng ta hãy để cho tình yêu bùng cháy giống như Trái Tim Chúa Giêsu! … Chúng ta hãy yêu thương tất cả mọi người “được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa”, giống như Trái tim của Đấng đã yêu thương loài người quá đỗi! “… Chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, vì Người, chúng ta phải yêu thương loài người, vì Người là Đấng duy nhất chúng ta phải yêu… Chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa như Trái tim của Chúa Giêsu yêu thương Ngài, càng nhiều càng tốt! ” [1]. Về chủ đề tình yêu, Anh tin chắc rằng người ta nên yêu không giới hạn và không hạn chế. Anh nói, “Tình yêu thì hoàn hảo; chúng ta có thể phóng đại mọi thứ, ngoại trừ tình yêu: trong tình yêu, không bao giờ đủ để đi xa hơn…

2. Cử hành, thờ lạy và sống Bí tích Thánh Thể :

Chúng ta có thể mượn ch diễn tả thánh thiện của Công đồng Vatican II để nói rằng Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và là đỉnh cao của mọi kinh nghiệm thiêng liêng của Charles de Foucauld. Nơi kinh nghiệm thiêng liêng này, sự hiện diện của Thánh Thể là nền tảng, xuyên suốt và bất khả từ ở mức độ mà người ta có thể nói rằng cuộc đời của họ được mở ra khi được một lần chiêm ngưỡng và một kinh nghiệm sâu sắc chưa từng có về Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể ghi dấu mọi sự trong đời sống thiêng liêng của anh từ khởi đầu cho tới kết thúc: sự hoán cải, lời cầu nguyện của Anh, tương quan của Anh với Chúa Giêsu, biến cố bước ngoặt trong ơn gọi của Anh, sự chăm sóc mục vụ tốt lành, tình huynh đệ phổ quát của Ạnh, viễn cảnh truyền giáo, sự hiện diện của Anh ở Sahara, mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời Anh, cái chết của Anh…[2]

Người ta không thể trở thành môn đệ của Anh Charles nếu không có sự tăng trưởng trong lòng mến Chúa Giêsu hiện diện diện trong Bí tích Thánh Thể được cử hành và tôn thờ. Cho dẫu lòng sùng kính Thánh Thể tuyệt vời như thế, nhưng Anh không ngừng quyết tâm yêu mến Thánh Thể hơn nữa. Giống như Anh, chúng ta cũng cần không ngừng làm mới lại tình yêu của chúng ta với Thánh Thể. Chúng ta cần phải thực hiện cho riêng mình quyết tâm này mà Anh đã đưa ra trong một trong nhiều cuộc tĩnh tâm của mình: “Việc đứng hầu cận Bí Tích Thánh, bất cứ khi nào mà Chúa muốn, nghĩa là một bổn phận rất chắc chắn, không buộc tôi phải rời khỏi điều đó… […] – Đừng bao giờ không Rước Lễ, dù bất cứ lý do gì ” [3].

3. Tình huynh đệ phổ quát

Chân phước Charles de Foucauld tìm thấy trong Thánh Thể nguồn mạch của tình huynh đệ phổ quát. Khi nhận thức rõ ràng rằng mỗi con người bằng cách này hay cách khác, là một bộ phận, là chi thể trong Nhiệm thể  của Chúa Kitô, nên từ đó Anh suy ra nhu cầu yêu thương mọi người không phân biệt: “Chúng ta phải yêu thương mọi người, tôn kính họ, tôn trọng họ, không thể được so sánh vì tất cả đều là chi thể của Chúa Giêsu, đều là thành phần của Chúa Giêsu… ”[4]. Cũng vì coi Bí tích Thánh Thể là bí tích mà tình yêu Thiên Chúa được thể hiện cách cao siêu, nên Anh cho rằng việc đón nhận Thánh Thể phải làm cho chúng ta trở nên dịu dàng, tốt lành và tràn đầy tình yêu cho mọi người. Đức Thánh Cha Phanxicô vừa cho chúng ta thấy Anh Charles như một kiểu mẫu của tình huynh đệ phổ quát và tình bạn ở những khía cạnh này: Charles de Foucauld “đã thực hiện một cuộc hành trình biến đổi cho đến khi anh ấy cảm thấy mình là người anh em của tất cả mọi người. [..] Anh định hướng lý tưởng dâng hiến trọn vẹn con người anh dành cho Thiên Chúa và đi đến sự đồng hóa với người cuối cùng, người bị bỏ rơi ở vùng sâu của sa mạc Châu Phi.” (Thông điệp Fratelli tutti, 286-287). Một thách thức cần thiết và không thể né tránh đối với bất kỳ môn đệ nào của Anh Charles là sự biến đổi thành một người anh em phổ quát, là việc vương lên không ngừng để trở thành một người anh em phổ quát cho tất cả mọi người.

4. Tình yêu của những người nghèo nhất

Đối với Anh Charles, lòng sùng kính và sự trìu mến mà chúng ta dành cho Thân Thể Chúa trong khi cử hành cũng như việc tôn thờ Thánh Thể phải là cùng một lòng tôn kính và cùng một sự trìu mến đối với người nghèo. Anh Charles trực giác rằng mỗi khi chúng ta nói “đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy”, đó cùng một Chúa đã nói trong dụ ngôn về cuộc phán xét cuối cùng, bất cứ điều gì bạn làm với những người anh em bé nhỏ của tôi, bạn cũng làm cho chính tôi. Khi Anh đặt Mình Thánh Chúa để chầu lâu giờ tại Beni Abbès và có tiếng gõ cửa, Anh rời khỏi Nhà Tạm để đi gặp người đến thăm mình. Đó cũng là một Đức Kitô mà Anh đã gặp trong Bí tích Cực Thánh cũng như trong những người nghèo khó đến thăm Anh. Để ở lại với những người nghèo nhất, để đến với những tâm hồn xa xôi nhất, anh đã chấp nhận những hy sinh to lớn: cô đơn, nghèo khó, bất an, không thể cử hành Thánh Thể…

5. Sống lành thánh: sám hối, từ bỏ, nghèo khó, chia sẻ.

Để noi gương Chúa Giêsu khi hạ mình đến nơi rốt cùng qua sự nhập thể và hiến tế trên thập giá của Ngài, Charles de Foucauld đã sống một cuộc đời bị bỏ rơi và thống khổ tột cùng. Mặc dù có những lúc trong đời, anh phải giảm bớt sự thống khổ của mình, Anh Charles vẫn là một nhà khổ hạnh vĩ đại trong suốt cuộc đời của mình. Việc đền tội và hành xác không còn phù hợp với các thực hành tâm linh và trong thế giới tiêu thụ của chúng ta nữa, nhưng hình ảnh của Anh Charles liên tục nhắc nhở chúng ta về lời mời gọi của Chúa Giê-su theo Ngài trong việc hạ mình trong thân phận con người và trong hiến tế của Ngài trên thập giá. Làm thế nào để khẳng định một người thuộc về trường tâm linh của mình mà không cần một lượng hoán cải nhất định, hoặc ít nhất là sự lành thánh? Chúng ta cần rất tỉnh táo để chống lại làn sóng của chủ nghĩa tiêu dùng, làm biến dạng rất nhiều vẻ đẹp của thế giới chúng ta và đe dọa hủy diệt trái đất mẹ của chúng ta.

6. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Thiên Chúa trong thiên nhiên

Chúng tôi đã nói ở trên rằng cuộc đời của Anh Charles mở ra như một sự chiêm niệm liên tục về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và trong Kinh Thánh. Hàng ngày, Anh Charles dành nhiều giờ để chiêm niệm Chúa, nhìn Ngài với tình yêu và sự dịu dàng trong lời cầu nguyện. Anh là người luôn say mê trước sự huy hoàng và vẻ đẹp của tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Mặc dù cuộc sống chiêm niệm rất mãnh liệt, Anh Charles không thờ ơ với thiên nhiên; Anh cũng biết cách tìm thấy ở đó sự huy hoàng của vẻ đẹp thần linh. Anh đã gìn giữ cảm thức về vẻ đẹp ở các loại thụ tạo trong suốt cuộc đời của mình. Anh nói: “Chúng ta hãy mộ mến vẻ đẹp của thiên nhiên, tất cả đều thật đẹp và tốt lành vì chúng là công trình của Thiên Chúa. Thiên nhiên lập tức dẫn chúng ta đến sự mến mộ và chúc vinh tác giả của chúng. Nếu linh hồn thật đẹp, thì một trong số đó, thiên nhiên, con người, nhân đức phải đẹp thế nào, khi phải vay mượn vẻ đẹp mà không phải là sự phản chiếu nhạt nhòa !. (Zen sur les psaumes, p. 66 ou: Ch. D. Foucauld, Rencontres á themes, Nouvelle Cité 2016. Chapitre: beauté)

7. Lòng nhiệt thành truyền giáo không thể thay đổi

Đời sống thiêng liêng của Anh Charles được ghi dấu bởi lòng nhiệt thành truyền giáo không ngừng nghỉ. Ngay khi khám phá ra ơn gọi của mình là trở thành người truyền giáo của tiệc Thánh Thể cho những người nghèo nhất, xa xôi nhất và đói khổ nhất – mà ngày nay chúng ta có thể nói là “ngoại biên” nhất – Anh đã không ngừng cầu nguyện và làm việc cho sứ vụ. Để Tin Mừng được mọi người biết đến và loan báo, Anh nói rằng Anh sẵn sàng hy sinh mọi thứ để “đi đến tận cùng thế giới và sống đến ngày cuối cùng…”[ 5] Cho dù chúng ta đang ở hình thức của bậc sống nào, chúng ta có thể thực sự theo Anh Charles mà lại không muốn Tin Mừng và Thánh Thể được biết đến và yêu mến trên toàn thế giới chăng?

Để cái kết như sự khởi đầu, chúng ta hãy lặp lại một lần nữa rằng với Charles de Foucauld, chúng ta đang đứng trước một nền linh đạo gần như vô tận vì mối liên hệ trực tiếp của nó với Tin Mừng. Chúng tôi chỉ phác họa một số yếu tố cơ bản của kinh nghiệm tâm linh của Anh. Mỗi người phải tự chất vấn mình về vị trí và mức độ của những yếu tố cơ bản và trọng tâm này trong đời sống thiêng liêng của mình. Sự hiện diện của chúng và sự thâm sâu của chúng có thể là một dấu hiệu cho thấy tính xác thực của sự trung thành của chúng ta với kinh nghiệm thiêng liêng của Anh Charles.

Ouahigouya (Burkina Faso), tháng 12 năm 2020.
Fr. Savadogo Nabons-Wendé Honoré

[1] C. DE FOUCAULD, Règlements et directoire, Nouvelle Cité, Paris 1995, 287.

[2] C. DE FOUCAULD, Correspondances sahariennes, Cerf, Paris 1998, 970.

[3] C. DE FOUCAULD, La dernière place, Nouvelle Cité, Paris 2002, 95.

[4] C. DE FOUCAULD, Petit frère de Jésus, 84 ; voir aussi Aux plus petits de mes frères, 141.

[5] C. DE FOUCAULD, Correspondances sahariennes, 155.

 

GĐTLCDF chuyển dịch từ:

https://www.iesuscaritas.org/en/documentos/texto-3-fundamentos-de-una-espiritualidad-inspirada-por-carlos-de-foucauld/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *