Mừng Ngày Phong Thánh Cha Charles de Foucauld (15.9.1858 – 01.12.1916)

Viết về một vị thánh, người ta thường chia cuộc đời của vị thánh ấy thành hai giai đoạn : trước khi được ơn hoán cải và sau khi hoán cải. Chẳng hạn như cuộc đời của Thánh Phêrô, một tông đồ đã chối Thầy mình đến ba lần trong đêm trước khi Thầy Giêsu tử nạn. Nhưng sau ngày Thầy phục sinh, Phêrô đã tuyên xưng lòng yêu mến Thầy cũng ba lần, bên bờ hồ Ti-bê-ri-a, rồi từ đó một lòng sống chết theo Thầy cho đến chết đóng đinh thập giá như Thầy.

Hoặc như Phaolô, trước khi gặp Đức Giêsu Phục sinh, đã rảo ruông khắp nơi, tầm nả bách hại các kitô hữu. Nhưng sau khi bị Đấng Phục Sinh chộp cổ, ngã ngựa trên đường đi Đa-mas, đã trở thành một Tông đồ cả, một đời hy sinh cho công cuộc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.

Còn Thánh Augustinô cũng thế, từ một tội nhân trở thành một thánh nhân, nhờ đức hạnh của người mẹ là Thánh Mônica. Ở tuổi vị thành niên, đã sống cuộc đời ăn chơi phóng túng và hư hỏng, đã mất đức tin khi theo lạc giáo Manichê, chống lại Thiên Chúa, chống lại Giáo hội, và ngày càng dấn sâu trên con đường tội lỗi, chạy theo danh vọng, phù hoa và khoái lạc. Thế nhưng, nhờ sự hy sinh cầu nguyện trong chay tịnh và nước mắt của người mẹ đạo đức cùng với gương sáng và những lời giảng dạy của Thánh Ambrôsiô, chàng Augustinô đã được ơn Chúa hoán cải. Augustinô đã trở thành kitô hữu chân chính, rồi trở thành một ẩn tu, rồi một linh mục thánh thiện. Sau cùng trở thành một Giám mục và là một trong bốn vị đại tiến sĩ lừng danh của Hội Thánh.

Cuộc đời của Charles de Foucauld :

Cuộc đời của Charles de Foucauld cũng có hai giai đoạn tương tự như thế.

Sinh trong một gia đình người Pháp giàu có, quý phái và đạo đức tại Strasbourg, ngày 15.9.1858. Năm lên sáu, cậu đã mồ côi cha lẫn mẹ và được ông ngoại đem về nuôi cùng một người em gái tên là Marie. Cậu đã mất đức tin từ năm 17 tuổi, khi cậu được Ông ngoại gởi vào học nội trú tại trường các cha Dòng Tên ở Paris. Cậu nhất định không chịu ở nội trú và cậu bị đuổi ra khỏi trường vì lý do lười biếng, vô kỷ luật. Hai năm sau, cậu học ở trường sĩ quan Saint-Cyr nổi tiếng của Pháp.

Người con hoang đàng.

Đúng vào lúc cậu ra trường năm 1878 thì Ông ngoại cậu qua đời. Thế là cậu đã thoát khỏi mọi sự chỉ bảo dẫn dắt, và cậu cũng thừa hưởng một gia tài kếch sù do gia đình để lại. Cậu chỉ nghĩ đến cách sống một cuộc sống ăn chơi thỏa thích, giống như câu chuyện đứa con hoang đàng được nói trong Tin Mừng (Lc 15,11-32). Cậu cũng bỏ nhà ra đi mang theo tất cả phần gia tài để tiêu xài cho hết.

Sau này anh viết : “Năm 17 tuổi tôi chỉ là một cậu thanh niên ích kỷ, khoe khoang bất nghĩa, và trong con người tôi chỉ có một nhu cầu duy nhất là tìm kiếm tội lỗi. Hình như tôi đã mất lý trí.”

Năm hai mươi tuổi, vị ẩn tu tương lai của vùng sa mạc Sahara chỉ là một cậu thanh niên mập tròn, đầu tóc lúc nào cũng chải bóng láng, lại điểm thêm hai hàng tóc mai trông thật nghệ sĩ. Thời đó biết bao người thèm khát mơ ước có một hoàn cảnh như Charles de Foucauld, trẻ, khỏe, đẹp trai, con nhà giàu. Người ta thường gặp cậu ăn mặc thật bảnh bao ra vào các nhà hàng sang trọng giữa đám bạn bè, lúc nào cũng vui vẻ nhộn nhịp với các bạn gái ăn diện lộng lẫy. Tính tình vui cười, tinh nghịch, hay nháy mắt đưa tình với các cô gái; cuộc sống của cậu là một đại tiệc không ngừng với ly rượu trên tay.

Tốt nghiệp kỵ binh, Charles phải đi đóng quân ở miền đông nước Pháp, rồi sau đó bị thuyên chuyển sang Algérie (Phi Châu). Cậu ăn chơi tiêu xài hoang phí, tổ chức hết đình đám này đến đình đám khác, rồi ăn ở sống chung với một cô gái làng chơi mà đi đâu cậu cũng giới thiệu là vợ của cậu. Cậu đã làm quá nhiều điều lố lăng trái tai gai mắt đến nỗi quân đội đã không chịu nỗi cậu và đã tống cổ cậu ra khỏi trung đoàn kỵ binh vì lý do kỷ luật và bất hảo.

Bất cần, cậu ra đi với cô gái làng chơi đến sống tại Evian, một thành phố nằm bên hồ Genève. Lúc đó là tháng 3 năm 1881 và cậu được 22 tuổi. Tại Evian bên cạnh hồ thật mơ mộng, Charles de Foucauld sống với cô bạn chưa được đầy ba tháng, thì bất ngờ, Foucauld rời bỏ tất cả và chạy đi nài xin quân đội cho anh phục vụ trở lại bên cạnh các bạn đồng đội . Anh được thâu nhận và lên đường sang Algérie ngay.

Lần này những tiếng súng của quân du kích đã thức tỉnh anh. Giữa những lúc giáp trận với sự can trường, Foucauld bắt đầu khám phá ra giá trị và tôn trọng nhân phẩm những con người Hồi giáo đối diện với anh. Anh cảm thấy quý trọng họ, anh ước ao tìm hiểu những con người này và một thế giới mới đang xuất hiện trước mặt anh. Anh ấp ủ trong lòng một ước vọng. Ước vọng tung bay đi cho đến cùng tận để tìm hiểu cái thế giới của những người Hồi giáo.

Mười năm sau Charles viết : “Tôi đã làm điều xấu nhưng không chấp nhận, cũng chẳng ưa thích. Chúa đã cho tôi cảm thấy một sự trống rỗng chua xót, một mối buồn tủi hơn bao giờ hết; nỗi buồn đó cứ luẩn quẩn với tôi vào mỗi buổi tối tôi phải ở một mình trong phòng riêng.”

Thế là lần thứ hai anh xin rời khỏi quân ngũ và quyết định ra đi như một nhà thám hiểm tự lập, mọi phí tổn đều do anh tự đài thọ. Suốt một năm trời, từ 1883 đến 1884, nhà thám hiểm trẻ tuổi này đã đi được một đoạn đường khá dài trong xứ Marốc. Anh đã thu thập được nhiều tài liệu khoa học, đã mở một kỷ nguyên mới trong cuộc nghiên cứu địa lý xứ Marốc.

Kể ra từ Evian đến đây có biết bao nhiêu là thay đổi ! Sau khi đã chấp nhận đi theo tiếng gọi của sự hiểm nghèo và khám phá ra tình huynh đệ giữa các chiến hữu, Foucauld cứ rảo bước trên con đường gian nguy, khám phá thêm những mối tình anh em khác, mà trước kia anh chưa hề biết đến : tình anh em với những người Do thái và tình anh em với những người Hồi giáo.

Hồi năm hai mươi tuổi, khi anh mới bắt đầu bàn cãi về triết lý, anh đã nhận định rằng chính sự hiện hữu của nhiều tôn giáo khác nhau là một bằng chứng để anh chối bỏ đức tin. Nhưng đến bây giờ khi sống lăn lộn hẳn vào giữa dân Marốc, giữa những người Do thái và những người Hồi giáo, tư tưởng và nhận định của anh đã thay đổi trái ngược hoàn toàn. Thay vì anh đã nhận xét rõ hơn nữa và phải chối bỏ đức tin, giờ đây anh cảm thấy nơi lòng tưởng nhớ hoài vọng sâu xa về tôn giáo.

Sau này anh viết : “Đạo Hồi giáo đã đem lại một sự thay đổi lớn trong con người tôi. Nhờ chính mắt tôi nhìn thấy lòng tin nơi họ, nhờ thấy họ trong hiện diện thường xuyên của Thượng Đế trước mặt họ, tôi bắt đầu trông thấy có một cái gì cao đẹp hơn, chính đáng hơn là những câu chuyện phàm trần”

Khi từ Marốc về Pháp, Charles de Foucauld đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Chưa đến ba mươi tuổi mà muôn vàn con đường đang được mở rộng trước mặt anh. Năm 1885 Hội Địa lý học chính thức chấp nhận tất cả những biên khảo khoa học từ cuộc thám hiểm ở Marốc và tổ chức một buổi lễ trọng thể ăn mừng nhà thám hiểm trẻ tuổi này. Hội đã trao tặng anh huy chương vàng. Anh được người ta ca tụng như một nhà thám hiểm đại tài.

Trở  về Paris anh ở tại một ngôi nhà gần nhà gia đình bà cô Moitessier lúc ấy đã thành bà Bondy. Rồi cũng từ dây ảnh hưởng đạo đức của bà Bondy mỗi ngày một thấm nhập hơn, đến nỗi anh chịu nghe theo lời bà khuyên bỏ dự tính lập gia đình với một cô gái Tin lành mới trở lại Công giáo. Bà mời anh đến nghe cha Huvelin diễn thuyết. Cha Huvelin đang là cha phó tại nhà thờ Thánh Augustinô. Người ta đến nghe cha giảng rất đông. Charles de Foucauld tới nhà thờ Thánh Augustinô nhiều lần vì thích nghe cha giảng.

Sau này, chính anh viết : “Tôi bắt đầu lui tới nhà thờ, nhưng lòng tôi không tin một tí nào cả, tuy thế tôi vẫn cảm thấy có một cái gì hay hay và tôi ngồi trong nhà thờ giờ này qua giờ nọ như vậy để lập đi lập lại lời cầu nguyện kỳ lạ này : “Lạy Chúa, nếu thật sự Chúa có thật, thì xin Chúa hãy làm cho tôi được biết Chúa”.

 Ơn hoán cải .

Vậy vào một buổi sáng nọ, cuối tháng 10 năm 1886, Charles de Foucauld trở lên nhà thờ Thánh Augustinô. Anh tiến đến tòa giải tội có cha Huvelin đang ngồi thường trực, anh không quỳ xuống và trình bày ý muốn của anh. Chỉ có thế thôi.

Nhưng anh ngạc nhiên khi nghe cha Huvelin trả lời :

“Con, hãy quỳ xuống đi và hãy xưng hết tội lỗi cùng Chúa, rồi con sẽ tin”.

Anh không hiểu và cưỡng lại :

-Nhưng không phải tôi đến đây để xưng tội !

-Cứ xưng tội đi ! Cha lập lại với anh.

Anh quỳ xuống và luôn một mạch nói ra tất cả tội lỗi anh đã phạm trong mấy năm qua. Anh lãnh nhận ơn tha tội và cùng lúc đó cảm thấy đức tin đã trở lại với tâm hồn anh.

Anh chỗi dậy, sửa soạn ra đi…Nhưng vị linh mục lại hỏi anh:

-Sáng nay con chưa ăn gì chứ ?

-Dạ, thưa con chưa ăn gì cả.

-Vậy con đi lên rước Mình Thánh Chúa đi !

Anh lấy làm ngạc nhiên, bởi vì theo anh, thì anh chưa dám. Nhưng cha mời gọi nên anh đi rước Mình Thánh Chúa Kitô.

Nhờ ở ơn tha tội mà Charles de Foucauld mới nhìn nhận ra Chúa Kitô và tức thì Chúa mời anh vào bàn ăn của Ngài như mời một người bạn mà Ngài đã từng chờ đợi lâu nay.

Buổi sáng tháng 10.1886 đó, ở vào tuổi 28, anh Charles đã đi một bước quyết liệt cho cuộc đời anh. Anh đã tìm thấy lại Chúa Kitô và mãi mãi sau này anh sẽ không từ bỏ Ngài nữa, mãi mãi anh sẽ tiến lên tìm gặp Ngài mỗi ngày một gần hơn.

Anh đã viết “Ngay khi tôi tin có Thiên Chúa, thì tôi hiểu được rằng, tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ sống cho một mình Ngài. Ơn kêu gọi tu trì đã đến với tôi cùng ngày giờ với đức tin. Thiên Chúa là Đấng cao trọng nên giữa Ngài và tất cả mọi sự không là Ngài, có một khoảng cách xa vô tận”.

Sau bao nhiêu năm trời chờ đợi, sự chuyển hướng thật là chớp nhoáng ! Ngày Charles de Foucauld tìm lại được Chúa Kitô, anh muốn dâng hiến tất cả cho Ngài : không phải chỉ nhất định yêu Chúa trên hết mọi sự, nhưng là dâng hiến trọn vẹn cuộc đời anh cho một mình Ngài.

Cuộc phiêu lưu mới

Anh viết : “Tôi ao ước được trở thành một tu sĩ chỉ sống cho Thiên Chúa và làm được việc chân thiện nhất, mặc cho phải làm bất cứ điều gì…”

Cha Huvelin bảo anh nên đi hành hương tại Dất Thánh. Anh đã vâng lời cha. Anh viếng thăm Nazarét, Bêthania, Emmaus, đi theo đàng Thánh giá ở Giêrusalem, rồi rước lễ dêm Giáng sinh tại Bêlem. Khắp mọi nơi anh cảm thấy có một sự rung cảm chiếm đoạt lấy anh. Nhìn thấy những chứng tích trên đá gạch, lịch sử, địa lý thuộc đời sống Chúa Giêsu khi xưa hiện diện trước mắt anh làm cho đức tin của anh thêm vững mạnh hơn. Nhưng Nazarét là nơi anh thích ở lâu nhất, vì là ngôi làng nhỏ bé mà khi xưa Chúa Giêsu đã sống suốt trong 30 năm làm lụng, cầu nguyện, đã muốn mang lấy một cuộc sống bên ngoài bình thường như bất kỳ một người nào trong đám dân chúng.

Anh viết : “Tôi phải noi theo gương đời sống ẩn dật hèn hạ của Anh thợ mộc tại Nazarét”

“Tôi chỉ muốn tìm kiếm một cuộc sống giống như cuộc sống của Chúa Giêsu, để có thể chia sẻ với Chúa Giêsu lòng tự hạ, đời nghèo khổ, việc làm chân tay hèn mọn, chịu chôn vùi, sống trong bóng tối…”

Vào tháng giêng năm 1890 anh Charles xin vào đan viện khổ tu Dòng Trappe. Năm đó anh đã 31 tuổi. Sau hai năm tập trong Dòng, Thầy Albéric (anh Charles) tuyên khấn tạm vào ngày 2.2.1892, đúng vào lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ. Nhưng đời sống bình lặng của nhà tu không đáp ứng khát vọng của anh. Điều làm cho anh Charles khắc khoải chính là cuộc đời của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa là một người loa công nghèo khó. Chúa Giêsu đã là thợ mộc trước khi đi rao giảng Tin Mừng.

Khi suy nghĩ như vậy anh Charles muốn đem những ý tưởng đó ra thực hành. Vào năm 38 tuổi, anh Charles đặt chân trên Thánh địa lần thứ hai và bước vào cuộc sống mới. Trong ba năm anh đã đến xin làm lao công trong một nữ đan viện Clara nghèo khó ở Nazarét. Theo anh Charles thì Nazarét đại diện cho bất cứ nơi nào trên thế giới. Sau đó anh Charles đã xin theo học thần học để làm linh mục.

Sau mười năm dấn bước trong những cuộc hành trình khó khăn với nhiều do dự và dứt khoát, anh Charles trở về Pháp tại Đan viện Trappe, nơi xưa kia anh đã từng học tập sống đời tu trì. Anh ở lại đó một năm, từ tháng 9 năm 1900 đến tháng 9 năm 1901 để chuẩn bị thụ phong linh mục.

Sau khi thụ phong linh mục, cha Charles trở lại Algérie, sống ở sa mạc Béni-Abbès, tại biên giới Marốc, lúc đó anh được 43 tuổi. Ý nguyện của Cha Charles là phát triển một kiểu mẫu đời sống tu chiêm niệm của cộng đoàn Tiểu đệ, sống giữa những người nghèo với tinh thần nghèo khó, yêu thương và phục vụ. Sống tại một xứ khác, cách ăn mặc và nếp sống của cha cũng thay đổi theo xứ đó. Tuy nhiên hơn lúc nào hết, cha vẫn luôn luôn lấy cuộc đời Nazarét làm lý tưởng và luật sống cho cha. Cha charles đã viết : “Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải rao giảng Tin Mừng không chỉ bằng lời nói mà chính bằng đời sống của chúng ta”.

Cha Charles đã sống ở Béni-Abbès trong 15 năm, khi nhận thấy vùng này trở nên đông đúc thì dời đến nơi cô tịch hơn là Tamanrasset, đi sâu vào sa mạc Sahara, ở giữa thổ dân Tuareg, chính ở đó Cha Charles đã bị quân Tuareg phản loạn giết chết, vào chiều 01 tháng 12 năm 1916, ở tuổi đời 58.

Khi còn ở Nazarét cạnh nữ đan viện Clara, anh đã từng viết : “Hãy tưởng rằng anh sẽ phải chết vì đạo, bị lột hết quần áo trần truồng, nằm dãy dụa trên vũng máu với vết thương, đến nỗi chẳng ai nhận ra; anh sẽ phải bị giết một cách tàn bạo đau thương…Hãy mong sao cho điều ấy được xảy ra đúng ngày hôm nay đi “.

Ở Béni-Abbès anh cũng đã lại viết : “Hãy sống từng phút một như sắp phải chết vì đạo ngay chiều hôm nay…Hãy luôn luôn chuẩn bị cho giờ tử vì đạo đó để đón nhận nó mà không kháng cự như Chiên Thiên Chúa”.

 Hạt lúa gieo trong sa mạc nẩy mầm…

Cha Charles đã chờ đón các bạn cùng chí hướng nhưng không một ai đến với mình. Cha đã viết lời kinh Phó thác :

“Lạy Cha, con phó mặc con cho Cha, xin dùng con tùy sở thích Cha. Cha dùng con làm chi, con cũng xin cám ơn. Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả, miễn là ý Cha thực hiện nơi con và nơi mọi loài Cha tạo dựng, thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa. Con trao linh hồn con về tay Cha. Con dâng linh hồn con cho Cha. Lạy Chúa Trời con, với tất cả tình yêu của lòng con, vì con yêu mến Cha, vì lòng yêu mến thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha, thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha, không so do, với một lòng tin cậy vô biên, vì Cha là Cha của con”.

Cuộcsống ẩn dật và lý tưởng của Cha Charles đã đem lại kết quả phi thường. Năm 1933, Cha René Voillaume và bốn người bạn linh mục rời Paris đến ẩn tu trong sa mạc Sahara. Họ trở thành nồng cốt của Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu. Ít năm sau, Dòng Tiểu muội của Chúa Giêsu cũng ra đời, do cô Elizabeth Hutin, người Pháp, sau làm Tổng phụ trách mãn đời gọi là Magdeleine de Jésus (1898-1989) thành lập năm 1939 trong miền sa mạc Sahara.Các công đoàn này phát triển nhanh chóng và có mặt khắp nơi trên thế giới, bắt đầu từ Sahara cho đến những nơi tối tăm nghèo nàn nhất trên thế giới.

Ngoài các Tiểu đệ, Tiểu muội Chúa Giêsu, còn có một số Tu hội khác cũng theo linh đạo của Cha Charles, như các Tiểu đệ Phúc âm, Tu hội gia đình Nazarét, Huynh đoàn linh mục Jesus-Caritas, Tu hội Jesus-Caritas, Nhóm Huynh đệ đời Charles de Foucauld, Tu hội Thừa sai Chúa Giêsu… Gia đình thiêng liêng của Cha Charles trên thế giới hiện nay gồm 20 ngành khác nhau, là những Dòng tu, tu hội, hiệp hội giáo sĩ và giáo dân. Những linh mục, tu sĩ, giáo dân này theo linh đạo Cha Charles de Foucauld đều âm thầm họa lại một lối sống Nazarét giữa lòng dân chúng, muốn được hòa mình vào đời sống với anh chị em xấu số, vô gia cư, bị loại trừ, nghèo khó, và ở những miền xa xôi hẻo lánh. Ngày nay , lối sống này rất gần gũi với đường hướng mục vụ của các mục tử nơi vùng ngoại biên, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô. Người giáo dân cũng tìm thấy mình trong đường hướng này trong cuộc sống đời thường nơi các vùng sâu vùng xa, khu xóm lao động, cộng động nhập cư, khu ổ chuột hoặc  khi cận kề người vô gia cư, nghèo đói, bệnh tật, khuyết tật, mồ côi…

Chết cô đơn trong sa mạc, mới đầu xem như thất bại, nhưng một thời gian sau thì tư tưởng và nếp sống của Cha Charles đã ảnh hưởng sâu rộng trong thế kỷ 20-21 này. Tuy sống ẩn dật, để gần gũi Thiên Chúa, nhưng luôn mang một tấm lòng yêu mến sâu xa anh em đồng loại như chính mình. Trước khi bị giết, Cha Charles de Foucauld đã viết như một di chúc :

“Chúa Giêsu đến Nazarét, sống một cuộc đời ẩn dật, một cuộc sống xem ra tầm thường, một đời sống gia đình, cầu nguyện, lao động. Sống trong lu mờ để tu luyện những đức tính đạo đức, thực thi một mình với Thiên Chúa, đối xử tốt với bạn bè và những người chung quanh. Vậy chúng ta phải tôn trọng những người anh em thấp kém, chúng ta hãy hòa đồng cùng mọi người. Hãy là một trong thành phần của họ như thánh ý Chúa, đối xử với họ trong tình anh em, để có được danh dự và niềm vui khi được họ đón tiếp như người anh em”.

 

Kết

Từ ngày được ơn hoán cải, cứ vào mỗi giai đoạn của cuộc sống, Cha Charles cứ tin rằng cha đã dứt khoát đạt được cùng đích nhất định rồi : trước hết là ở Dòng Trappe, kế đến là ở Nazaét, rồi đến Báni-Abbèa, đến Tamanrasset…Cái chết của Cha Charles biểu dương sâu xa ý nghĩa sứ điệp của cha. Cha không chết như một người lính, mà Cha đã bị hạ sát như một kẻ vô tội không ai bảo vệ..Cha cũng chẳng chết như một người tử đạo, vì cha không bị bó buộc phải chối bỏ đức tin kitô giáo. Trái lại, Cha đã chết như cha đã từng sống : Cha đã hiến mạng sống mình nhân danh tình anh em đại đồng, chính vì thế mà các bạn cha, kitô giáo cũng như Hồi giáo, đều có thể cùng nhau thương khóc trước cái chết của cha.

Ngoài ra, cha Charles de Foucauld còn để lại hình ảnh về “người con hoang đàng” quay về với Cha mình. Người Cha giàu lòng thương xót và thứ tha. Tấm gương này rất gần gũi với các kitô hữu, vì ai trong chúng ta lại không được lòng Chúa thương xót tha thứ tội lỗi và hoán cải .

Ngày 13.11.2005. Cha Charles được tuyên phong Chân Phước tại Rôma. Và trong năm nay, 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tôn phong Chân Phước Charles lên bậc Hiển Thánh. Toàn thể Giáo hội và cách riêng gia đình thiêng liêng Cha Charles de Foucauld hân hoan tạ ơn Chúa.

 

Lm Fx. Lê Văn Nhạc

 

Viết theo vài tài liệu và sách viết về Cha Charles de Foucauld:

-Michel Carrouges, Một tình yêu duy nhất

-Antoine Chatelard, Charles de Foucaul hành trình đến Tamanrasset.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *