TUẦN CỬU NHẬT CHUẨN BỊ MỪNG THÁNH CHARLES DE FOUCAULD

TUẦN CỬU NHẬT CHUẨN BỊ MỪNG THÁNH CHARLES DE FOUCAULD

NGÀY THỨ NHẤT

Với Chân Phước Charles de Foucauld, chúng ta cầu xin Chúa gia tăng đức tin trong chúng ta.

Suy niệm

Đức tin tỏa sáng trên mọi sự với một ánh sáng khác biệt; đó là ánh sáng khác với ánh sáng của các giác quan; nó sáng hơn, nó khác biệt […]. Nó thật sự biến đổi mọi thứ mà các giác quan cũ khó có thể phục vụ cho linh hồn. Qua các giác quan linh hồn chỉ thấy gỉa dối bên ngoài. Đức tin cho linh hồn thấy thực tại. Cặp mắt cho linh hồn thấy người nghèo, đức tin cho thấy Đức Giêsu. Đôi tai cho linh hồn nghe xúc phạm và những bách hại, đức tin cho linh hồn ca lên: “Hãy vui mừng và hân hoan với chúng tôi”. Đức Giêsu Đấng Cứu Độ, con người và Thiên Chúa, thể xác và linh hồn”.
(Tĩnh tâm ở Nazarét, Charles de Foucauld và huynh đoàn, Denise và Robert Barrat, tr. 98)

Lời Chúa

Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người It-ra-en nào có lòng tin như thế” (Mt 8, 8-10)

Ơn cầu xin

Chúa đã ca tụng lòng tin của viên đại đội trưởng… Thật vậy, tin vào lòng tốt lành và quyền năng của Chúa là một lòng tôn thờ chúng ta dâng lên Thiên Chúa; lòng tin cũng là một dấu chỉ của tình yêu, bởi vì lòng tin trọn vẹn như thế không thể có được nếu không có sự khâm phục, sự mgưỡng mộ tôn kính, đó là tình yêu… […] Chúng ta hãy làm như thế, lòng tin của chúng ta, nhờ ơn Chúa, trong tinh thần, trong hành động của chúng ta. Chúng ta hãy là con người khao khát và cầu xin Chúa điều mà kinh nguyện chúng ta không thể làm được, để sinh lợi ích cho linh hồn, để tôn vinh Thiên Chúa, vì chúng ta biết rằng lòng tốt lành của Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta điều lợi ích chân thật mà chúng ta cầu xin Ngài…Để có lòng tin này trong quyền năng Thiên Chúa ban cho những kinh nguyện nghèo nàn của chúng ta, chúng ta hãy cầu xin Ngài, chúng ta hãy xin lòng tín cậy, đức tin này rất cần, rất khó cảm nhận, một lỗi lầm trong đó là một xúc phạm đến Chúa chúng ta […]. Đừng so đo tính toán những điều chúng ta cầu xin. Vì Thiên Chúa không đặt giới hạn cho sức mạnh của những lời cầu xin của chúng ta, cũng như không hạn chế lòng tốt lành và quyền năng của Ngài.
(Suy niệmTin Mừng về những nhân đức chính yếu, Mt 8,10 và 21,22, Thánh thần của Đức Giêsu, tr. 86 và 147)

Kinh Tin

Lạy Chúa,
Con tin thật vững vàng mọi chân lý Chúa đã mạc khải và đã dạy qua Hội Thánh Chúa. Bởi vì Chúa không sai lầm và cũng không lừa dối chúng con. Ước gì con sống và chết trong đức tin này. Amen.

NGÀY THỨ HAI

Với Chân Phước Charles de Foucauld, chúng ta hãy sống niềm hy vọng vào cuộc sống muôn đời.

Suy niệm

Lạy Cha chúng con “ở trên trời” Tại sao bạn chọn đặc tính này mà không chọn đặc tính khác. Tại sao không chỉ chọn “Cha” thôi hoặc “Cha Chí Thánh”? …Không chút nghi ngờ, Thiên Chúa của con, chúng ta phải nâng tâm hồn lên để mở lời khởi sự kinh nguyện ở trên trái đất nghèo hèn này, và đặt tâm hồn chúng ta ngay lập tức ở nơi tâm hồn phải ở, trong cuộc sống này và trong cuộc sống khác, trên Thiên đàng là nhà của linh hồn. Đó cũng là đặt chúng ta từ những từ đầu tiên của kinh nguyện chúng ta trong hy vọng và bình an: Lạy Cha chúng con ở trên trời: Làm sao chúng ta không thể tin cậy có một hy vọng và bình an dịu ngọt được?…
(Suy niệm Tin Mừng về những nhân đức chính yếu, Mt 6,9. Thánh Thần của Đức Giêsu, tr.60).

Lời Chúa

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Ngài cho anh em” (lc 12, 32)

Ơn cầu xin

Can đảm lên! Đừng để chúng ta nản chí khi chúng ta sa ngã; trái lại, hãy đứng lên và như du khách trượt chân chúng ta hãy đi tiếp, chạy nhanh để lấy lại thời gian đã mất. Nhờ thế sa ngã của chúng ta sẽ khiến chúng ta vẫn khiêm tốn.

Chúng ta hãy khiêm tốn trước một sa ngã; nhưng đặc biệt hơn chúng ta hãy hy vọng, hy vọng chắc chắn rằng chúng ta có ơn sủng để không sa ngã lại trong tương lai; để thành thánh thiện hoàn toàn trong tương lai tùy thuộc vào chính chúng ta. Đức Giêsu ở đây trong trái tim chúng ta và Ngài cho chúng ta phương tiện.
(Suy niệm Thánh vịnh 59, 1-5, tr.266).

Kinh trông cậy

Lạy Chúa,
Con hy vọng với một lòng trông cậy vững vàng, vì công phúc Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Chúa sẽ ban cho con ơn phúc ở đời này và hạnh phúc muôn đời ở đời sau. Vì Chúa đã hứa sự ấy và Chúa chân thật giữ lời Chúa hứa. Ước gì con sống và chết trong niềm tin này. Amen.

NGÀY THỨ BA

Với Chân Phước Charles de Foucauld, chúng ta hãy nắm giữ đức ái của Đức Kitô.

Suy niệm

Đức ái,
Đức ái bao gồm lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự khác, yêu mến Chúa vì chính Ngài và yêu thương mọi người như chính mình ta, vì tình yêu Chúa. Tình yêu thương người thân cận không khác tình yêu mến Chúa. Cả hai bắt nguồn từ một nguồn, một nguồn đi lên Thiên đàng đến với Thiên Chúa, nguồn kia chảy trên mặt đất vì lợi ích của người thân cận là hình ảnh của Thiên Chúa .
(Thánh thần của Đức Giêsu, Suy niệm về các sách Tin Mừng, tr. 264)

Lời Chúa

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thươngcủa Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. …Đây là điều răn của Thầy : Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 9-10.12)

Ơn cầu xin

Hãy yêu mọi người như Đức Giêsu đã yêu họ. Chúc cho họ được mọi điều tốt lành như Ngài muốn ban cho họ, làm cho họ mọi việc tốt đẹp như chúng ta có thể làm, hiến thân mình đễ cho họ được cứu độ, sẵn sàng đổ máu mình ra để cứu từng người trong họ. Chúng ta hãy yêu họ thật nhiều như Ngài muốn, như Ngài mong ước, không vì chúng ta cũng không vì họ, nhưng vì Ngài. Tình yêu của chúng ta sẽ không giảm đi nhưng sẽ gia tăng khôn sánh; bắt nguồn từ Thiên Chúa sẽ là một sức mạnh, một sự bền vững, một hiến dâng, một say mê, không chỉ có một tình yêu nhân loại, cho họ có trong tim Đức Giêsu sống trong họ, và tình yêu không thông qua họ nhưng thông qua Đức Giêsu…
(Chỉ nam, mục XX, Charles de Foucauld và Huynh đoàn, Denise và Robert Barrat, tr. 100)

Kinh yêu mến.

Lạy Chúa,
Con yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và yêu nhiều hơn nữa, vì Chúa tốt lành vô cùng và vì yêu Chúa, con yêu người anh em thân cận như chính mình.
Amen.

NGÀY THỨ TƯ

Với Chân Phước Charles de Foucauld, chúng ta hãy lui vào nơi hoang vắng để gặp Chúa.

Suy niệm

Chúng ta phải đi qua sa mạc và ở lại đó để đón nhận Ơn Chúa, ở đó chúng ta tự hủy mình ra không, chúng ta phải xua đuổi tất cả những gì không phải là của Chúa và chúng ta phải làm trống rỗng ngôi nhà nhỏ bé của linh hồn mình để chỉ dành cho bình an trọn vẹn của Chúa mà thôi. […]. Về sau linh hồn sẽ sinh hoa trái, đến độ theo đúng như được hình thành bên trong đó. […]. Chúng ta chỉ cho cái gì chúng ta có và trong cô tịch này, trong cuộc sống này, một mình với Chúa, trong chiêm niệm sâu xa, chúng ta quên hết mọi sự, chỉ sống một mình trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa, Ngài trao ban chính mình Ngài trọn vẹn cho bất cứ ai trao hiến trọn vẹn chính mình cho Ngài.
(Thư gởi Cha Jérôme, Đan sĩ Trappiste ở Staoueli, ngày 19.5.1898, Denise và Robert Barrat, Charles de Foucauld và hunh đoàn, tr. 103)

Lời Chúa

“Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện” (lc 5,15-16)

Ơn cầu xin

Tâm hồn chúng ta cũng là một ngôi nhà cầu nguyện: Cầu nguyện phải không ngừng bay lên đến thiên đàng, như khói hương trầm: nhưng thường chia trí, những tư tưởng trần tục, những tư tưởng không tôn vinh Thiên Chúa, những tư tưởng xấu xâm chiếm nó, dầy dẫy tiếng ồn ào quấy rối và dơ bẩn, khiến nó thành sào huyệt trộm cướp…. Với tất cả sức mạnh, chúng ta hãy cố gắng làm cho tinh thần chúng ta luôn nghĩ đếnThiên Chúa hoặc làm gì để phục vụ Ngài, và khi làm điều gì Ngài dạy bảo, chúng ta không ngừng nhìn lên Ngài, không cách nào rời xa trái tim Ngài […] Khi chúng ta yêu ai, chúng ta không để mất hình ảnh người mình yêu…Khi cúng ta yêu ai, chúng luôn nhìn thấy người mình yêu…
(Suy niện Tin Mừng về những nhân đức chính yếu, Mt 21, 13. Thánh thần của Đức Giêsu, tr. 83-84)

Đức Giêsu càng bị đám đông vây quanh thì Ngài càng rút lui để cầu nguyện. Càng bị đám đông bao quanh thì Ngài càng tỏ ra là một thầy chữa bệnh đại tài, Ngài loan báo sự phục sinh của kẻ chết, càng rút lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Đó là gương mẫu của hoạt động và chiêm niệm.
(Một con đường cho cầu nguyện, Cha Marie-Joseph le Guillou, tr. 10)

NGÀY THỨ NĂM

Với Chân Phước Charles de Foucauld, chúng ta hãy tôn kính tiếp nhận Lời Chúa.

Suy niệm

Hãy yêu mến đọc và đọc các Thánh vịnh nữa, Thánh kinh và đặc biệt các đoạn tiên tri nói cho chúng ta về Đức Giêsu hoặc các phần của Tân Ước tỏ cho chúng ta biết Ngài. Khi chúng ta đọc Giờ kinh phụng vụ, khi chúng ta tham dự Thánh lễ, chúng ta hãy tạ ơn; nếu chúng ta không biết nói gì, nếu chúng ta chia trí, khô khan, hãy đọc vài ời Thánh vịnh, vài lời Tin Mừng và nhờ đó chúng ta nâng tâm hồn lên Thiên Chúa. […] (Suy niệm các Thánh vịnh, Tv 39, tr.200)

Lời Chúa

“Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rễ; Còn người bạn của chú rễ đứng đó nghe chàng , thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng”( Ga 3, 29)

Ơn cầu xin (Điểm hoán cải)

…Phải chăng tôi phải nói những lời này, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, mỗi khi tôi nghe một đoạn sách thánh, Thánh vịnh, nhất là Tin Mừng, kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và nói chung là các phần của Sách thánh! Đó thật sự là tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Ngài nói mỗi khi tôi đọc sách thách, mỗi khi tôi nghe sách thánh […] Trong niềm vui này, mỗi lần đọc, nghe, một đọan Lời Chúa, ngắn hay dài, không quan trọng, tôi phải nghe lời của Người Yêu, Lời của Hiền Thê rất yêu quý!
(Suy niệm Tin Mừng về những nhân đức chính yếu, Ga 3, 29, Thánh Thần của Đức Giêsu, tr 124)

Kinh Lạy Cha

Lạy Cha chúng con ở trên trời,
Xin cho Nước Cha trị đến,
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày,
Xin tha tội cho chúng con,
như chúng con cũng tha kẻ có lỗi với chúng con,
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
Amen.

 

NGÀY THỨ SÁU

Với Chân Phước Charles de Foucauld, chúng ta hãy xin ơn hoán cải.

Suy niệm

Chúng ta hãy hoán cải, vì như chúng ta thật sự là chính mình, chúng ta là những tội nhân, khi chúng ta biết có Thiên Chúa, chúng ta vẫn nói trong sâu thẳm lòng mình mỗi lần chúng ta hành động trong đường lối khác với điều Ngài muốn, chúng ta nói “không” với Ngài. […]. Chúng ta hãy chọn thay đổi lối sống và nghĩ rằng có một Thiên Chúa, Ngài thấy chúng ta luôn, và hãy làm điều gì đẹp lòng Thầy chúng ta, thật tốt và đáng yêu…. Chúng ta hãy đối xử tốt với các tội nhân, vì Thiên Chúa đối xử tốt với chúng ta […]. Chúng ta hãy thương xót như Cha chúng ta là Đấng hay thương xót. Thiên Chúa yêu thích lòng thương xót hơn của hy lễ. Và lòng thương xót là tình yêu nỗi khốn khổ, là trái tim nghiêng về lòng tốt lành, với tình yêu thương đối với người khốn khổ.
(Chú giải Thánh vịnh 52, 1-4, tr.248),

Lời Chúa

“Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế là anh ta đứng lên đi về cùng cha” (Lc 15, 18-20)

Ơn cầu xin

Hãy thật lòng hối tiếc vi một lỗi lầm, hãy hoàn toàn ăn năn sám hối, đau đớn hối tiếc vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa, Ngài là Đấng tốt lành và đáng yêu mến vô cùng. Thiên Chúa […]. Rồi không nhìn lại quá khứ nữa […], chỉ nhìn đến tương lai, dũng cảm và tin tưởng bước vào con đường mới; đừng nhìn lại phía sau nhưng nhìn phía trước; không nhìn lại nữa, không phạm lỗi lầm nào nữa nhưng tốt hơn hãy tập các nhân đức […] không nhìn lại những tội lỗi đã qua cũng như không tái phạm, chỉ nhìn vào Đức Giêsu và sự hoàn thiện của Ngài mà bắt chước. Can đảm lên! và tiến lên!
(Suy niệm Thánh vịnh 59, 1-5, tr. 268)

Kinh ăn năn tội

Lạy Chúa
Con hết lòng hối tiếc vì đã xúc phạm đến Chúa.
Vì Chúa tốt lành vô cùng
và tội lỗi làm mất lòng Chúa.
Con dốc lòng chừa cãi,
với ơn Chúa trợ giúp,
con sẽ không xúc phạm đến Chúa nữa
và làm việc đền tội của con.

NGÀY THỨ BẢY

Với Chân Phước Charles de Foucauld, chúng ta hãy theo Đức Giêsu trong sự khiêm nhường và từ bỏ mình.

Suy niệm

“Đức Giêsu đã chiếm chỗ cuối cùng và không ai có thể lấy mất chỗ của Ngài được”
(Cha Huvelin)

Lời Chúa

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8)

Ơn cầu xin

Đức khiêm hạ của Chúa Giêsu! Chúng ta hãy noi gương Ngài. Hãy tìm chỗ cuối, không vì cho chính mình nhưng cho mọi người thân cận với chúng ta, cha mẹ, bạn hữu, đồng nghiệp. Chúng ta đừng xấu hổ vì nghèo khó, hạ mình xuống, khiến chúng ta gần Chúa Giêsu hơn, hãy vui mừng. Chúng ta đừng vui mừng vì dáng vẻ bên ngoài mà nâng mình lên, điều đó chỉ làm chúng ta khác xa với Chúa Giêsu…Ôi lạy Chúa Giêsu, Chúa tốt lành biết bao khi làm cho chúng con nên tốt lành trong nhân đức, cho chúng con giống Chúa với những nhân đức và được kết hợp nên một với Chúa, Ôi lạy Đấng đáng yêu mến!
(Chú giải Tin Mừng, Lc 4, 38-39, Thánh Thần của Đức Giêsu, tr. 188)
Chúng ta cần khám phá chỗ nhất là chỗ thật sự rốt hết. Nói thì đơn giản nhưng đặt mình vào chỗ rốt hết thì thật sự không đơn giản đâu. Nó liên quan đến lòng tự hạ sâu thẳm trong chúng ta. Nó bao gồn mầu nhiệm khiêm hạ và nghèo khó của Đức Kitô, Ngài đến để phục vụ anh chị em, Ngài quỳ xuống chân các Tông đồ và rửa chân cho họ.
(Quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong Lời Ngài, Bài giảng Thánh lễ năm C, tr. 195, Cha Marie-Joseph Le Guillou).

NGÀY THỨ TÁM

Với Chân Phước Charles de Foucauld, chúng ta noi gương Chúa Giêsu trong cuộc sống đơn giản ở Nazarét, tập thánh hóa cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Suy niệm

Thinh lặng,
ẩn mình,
giống Đức Giêsu Nazarét,
Âm thầm như Ngài,
Đi vào thế giới không ai hay biết,
Như một người hành khách trong đêm,
Nghèo khó,
Lao động cần cù,
khiêm hạ,
Đơn gỉản, thanh thoát,
Với tình yêu như Ngài…

Lời Chúa

“Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 51-52)

Ơn cầu xin

Lạy Trinh Nữ Maria, lạy Thánh Giuse, xin đặt con dưới chân Chúa Giêsu! Lạy Thiên Chúa của con, con yêu mến Chúa, con dâng mình con cho Chúa, con thuộc về Chúa, vì thế mọi lúc con luôn làm điều đẹp lòng Chúa, xin cho con được như vậy.
(Kinh nguyện Nazarét)
Charles de Foucauld đang khi tìm “chỗ xa xôi hẻo lánh nhất”, đã tìm thấy Nazarét. Trong cuộc hành hương Thánh địa, Anh Charles đã để ý đến Nazarét nhất […] Anh muốn đi theo Chúa Giêsu trong thinh lặng, nghèo khó, như một người thợ lao động. […]. Charles de Foucauld, khi đi theo những dấu chân của “mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu”, anh đã gặp được Giêsu thợ mộc. Anh gặp được “Đức Giêsu lịch sử” đích rhực. […] Điều gì rất là nguyên gốc trong lời dạy của Charles de Foucauld về mầu nhiệm Nazarét đó là cuộc sống ẩn dật ở Nazarét, không chì là một chuẩn bị cho sứ vụ của Đức Giêsu […], mà đã là biểu hiện cuộc cứu chuộc đang diễn ra, nhờ trung gian của Ngài.
Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, HY Joseph Ratzinger (ĐGH Biển Đức XVI) trích dẫn do ĐHY Saraiva Martins, Báo Osservatore Romano số 46- 15/11/2005)

NGÀY THỨ CHÍN

Với Chân Phước Charles de Foucauld, chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu trong Thánh Thể.

Suy niệm

Lạy Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu, xin cám ơn Chúa vì món quà vô biên của Thánh Thể: cám ơn vì chúng con được luôn ở với Chúa, cám ơn vì Chúa luôn ở dưới mái nhà của chúng con, luôn ở trước mắt chúng con, mỗi ngày ở trong chúng con… cám ơn vì Chúa tặng ban chính mình cho chúng con, trao ban bản thân Chúa, phó thác tất cả chính mình Chúa cho chúng con […] !
Lạy Thiên Chúa của con, xin đến với con; Con yêu mến Chúa, con thờ lạy Chúa, con hiến dâng mình con cho Chúa, để sống và làm điều đẹp lòng Chúa. Đừng để con sống cho chính mình, nhưng để Chúa sống trong con.
(Suy niệm các sách Tin Mừng, Thứ Năm Tuần Thánh, Thánh Thần của Đức Giêsu, tr. 323)

Lời Chúa

“Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước mới, lập bằng Náu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. (1Cr 11, 23-25)

Ơn cầu xin

Khi ở trước Thánh Thể, lời nói đầu tiên của chúng ta phải là “Cám ơn”! Cám ơn vì con được ở dưới chân của Mình Thánh Chúa, Ôi lạy Thiên Chúa, con ở trước mặt Chúa! […] Cám ơn vì cho phép con được cầu nguyện với Chúa, được nói chuyện với Chúa, được ngắm nhìn Chúa, được đối thoại với Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, Người Yêu của con, hạnh phúc và sự sống của con! […] Con không chỉ cám ơn Chúa cho chúng con, con cũng cám ơn Chúa cho tất cả những người chúng con yêu mến, những người con phải yêu mến thắm thiết, nam và nữ, anh chị em của chúng con, con cái của chúng con, Ôi lạy Thiên Chúa của con !
(Suy niệm Tin Mừng về các nhân đức chính yếu, Matthêu 15, 10, Thánh Thần của Đức Giêsu, tr. 113)
Thánh Thể đặt chúng ta trong trái tim Chúa Kitô Phục Sinh: Thánh Thể mở ra cho chúng ta sự sống của Ngài. Thánh Thể mở ra cho chúng ta sự sống của Đức Kitô và nhờ đó chúng ta tìm được sức mạnh của bí tích thanh tẩy chúng ta và dìm sâu trong hiệu quả của bí tích ấy. Thánh Thể khiến chúng ta tránh xa cớ vấp phạm của tội lỗi và sự chết: phá đổ những giới hạn của chúng ta để được đi vào trong sự nghỉ ngơi với Thiên Chúa.
Khẳng định rằng chúng ta sống sự sống của Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta qủa quyết rằng cuộc sống của chúng ta sẽ không luôn gặp những cản trở không ngừng, nhưng thay vì đó, cuộc sống chúng ta sẽ tràn đầy sự sống của chính Đức Kitô, bởi vì cuộc gặp gỡ Thiên Chúa trước hết là sự hiệp thông tình yêu và tiếp theo là đầy dẫy mọi hành động.
(Ý nghĩa cuộc sống chúng ta, tr. 90 và 61 Cha Marie-Joseph le Guillou)

Kinh Phó thác của Cha Charles de Foucauld.

“Lạy Cha,
Con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cám ơn.
Con luôn luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.

Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.

Con trao linh hồn con về tay Cha,
con dâng linh hồn con cho Cha:
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo, với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con”.

(Anh Charles Chúa Giêsu, trích dẫn trong Relatio et Vota, super virtutibus, Hội Đồng cứu xét Án Phong Thánh, 2000, tr. 54)

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *