CHARLES DE FOUCAULD KHUÔN MẶT CỦA ĐỨC KITÔ  TRONG SA MẠC

Tìm hiểu cuộc đời của Anh Charles có nghĩa là khám phá nơi đó những khía cạnh mới. Trong đề tài của chúng tôi, chúng tôi khám phá đâu là liên hệ giữa cuộc đời anh với sa mạc. Pierangelo Sequeri viết rằng: “một liên hệ mầu nhiệm với sa mạc đi qua tất cả các giai đoạn của việc tìm kiếm đầy trăn trở của Charles de Foucauld : cuộc sống quân nhân, cuộc sống nhà thám hiểm, cuộc sống tìm kiếm tôn giáo, cuộc sống tu sĩ của “Thiên Chúa dấu ẩn” trong bối cảnh nội tại của những người ở bên lề các nền văn minh, theo tinh thần Nadarét” (1)

Trước khi nhìn xem những đoạn này, tôi muốn xác định luận điểm của tôi : Charles de Foucauld không đi vào sa mạc để sống như “ẩn sĩ”, để tìm kiếm việc “xa lánh thế gian” vốn điển hình cho các đan sĩ đầu tiên, nhưng Anh vào sa mạc để đến gần với những người mà sa mạc làm họ xa rời với thế giới. Chính những người này, chứ không phải những ốc đảo hay những đồi cát vàng óng, đã là “men thiêng” (2) thúc đẩy Anh Charles chọn sa mạc và đến đó sống như “bình đựng Mình Thánh” của Đức Giêsu.

  1. Khám phá sa mạc

 Năm 1881, lúc 23 tuổi, Charles Foucauld khám phá sa mạc trong tư cách là sĩ quan của quân đội Pháp, lúc ấy Anh được gởi đi để chiếm lại cuộc nổi loạn của Ben-Amama. Cuộc chinh phạt kéo dài 8 tháng, và Charles de Foucauld tỏ ra là một vị chỉ huy tốt, đầy can đảm và quảng đại (3). Kinh nghiệm ngắn ngủi này đánh dấu trong đời anh một cách vô cùng sâu xa đến nỗi cuối cùng , buồn chán vì cuộc sống trong đồn trú, Anh xin xuất ngũ để chuẩn bị và thực hiện chuyến thám hiểm Marốc, một đất nước gần như không được biết đến và tuyệt đối đóng kín đối với người nước ngoài (10.6.1883 – 23.5.1884). Để bổ sung và đối chiếu chất liệu thu hoạch được ở Marốc, Anh Charles còn đi thêm 3 tháng nữa trong các sa mạc ở Algérie và Tunisie : Anh thảo ra những trang viết đầy ấn tượng về vẻ đẹp của sa mạc (4).

Anh sẽ không bao giờ quên kinh nghiệm này, hay đúng hơn, những cư dân của sa mạc, đã thu hút Anh, và sự thu hút này, nằm trong vô thức, thay đổi bề mặt bên ngoài lúc có một chọn lựa quan trọng và sẽ là sức mạnh biến đổi cuộc sống Anh, hoán cải cuộc sống Anh, trở nên chắc chắn và trung thành.

  1. Dòng Trappe

Vào những ngày 29-30 tháng 10 năm 1886, khi Anh đang ở Paris để soạn thảo hoa trái của chuyến thám hiểm, Charles de Foucauld được hoán cải : “Ngay khi tôi tin là có một Thiên Chúa, tôi hiểu rằng tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ sống cho Ngài” (5), một cách cụ thể có nghĩa là Charles de Foucauld chọn đời tu và xác định hơn là đời đan tu. Theo lời khuyên của linh hướng, Anh Charles chọn Dòng Trappe Đức Mẹ Xuống Tuyết (Ardèche). Sáu tháng sau, Anh được gởi tới một đan viện Trappe nghèo hơn và hẻo lánh của Dòng, đan viện Đức Mẹ của Thánh Tâm  Akhès, bên Syrie.

Trong 7 năm, Dòng Trappe là trường học nơi Anh Charles tập đặt Đức Giêsu Kitô vào trung tâm cuộc sống mình và tập sống một đời sống thân mật và sâu xa với Ngài. Tách ra với thế giới bằng nội cấm, sự thinh lặng, dìm mình trong sự đọc sách, suy niệm, tâm niệm và kinh phụng vụ, nhất là việc lao động tay chân, anh tìm cách bắt chước Chúa Giêsu trong cuộc sống Nazarét. Sự bắt chước này là đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban cho Anh Charles vì ích lợi của Giáo hội. Anh Charles sẽ xin rời khỏi Dòng Trappe, không phải vì Anh không thỏa mãn nhưng để bắt chước Đức Giêsu Nazarét gần hơn : Anh muốn sống đặc sủng của “cuộc sống ẩn dật”, không phải trong lòng đan viện, nhưng với những người dân thường, ở bên trong cuộc sống của họ và cùng với họ kiếm sống hằng ngày, ở vùng phụ cận của một ngôi làng, trong một đời sống chiêm niệm rất sâu đậm. Ơn gọi mà Anh không muốn sống một mình nhưng với những người khác, bởi trong Giáo hội không có một hội dòng bắt chước Đức Giêsu trong cuộc sống 30 năm của Ngài ở Nazarét,(6) 

  1. Nadarét

Ngay 23.1.1897, Charles de Foucauld rời khỏi Dòng Trappe để đi Đất Thánh. Anh đến trú ngụ tại tu viện các nữ tu Clara ở Nadarét, các nữ tu thuê Anh làm người giúp việc, ở đây, Anh tìm cách “bắt chước đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu Chí Ái, trong một công việc khiêm tốn, trong tối tăm, lời cầu nguyện, sự khiêm nhường bên trong và bên ngoài, “ẩn dật trong Thiên Chúa cùng với Đức Giêsu” (7) . Một cuộc sống nơi nội cấm được biến đổi trong một sự cô tịch còn được ưa chuộng và yêu mến hơn nữa, tu viện trở nên cuộc sống với Thánh Gia Thất, trong đó Anh cảm thấy được đón tiếp, và Anh sống như em trai của Đức Giêsu.

Ở đây, ở Nadarét, trong một giờ chầu đêm vào những tháng đầu tiên năm 1899, khi suy niệm Tin Mừng theo Thánh Matthêu (8), Anh khám phá Đức Giêsu đã sống ba lối sống, và do đó Anh đề nghị những người muốn theo Anh điều đó :

– Đời sống tu viện, thể hiện đời sống ẩn dật ở Nadarét;

– Đời sống ẩn dật, thể hiện việc Ngài ăn chay 40 ngày trong sa mạc;

– Đời sống tông đồ, thể hiện ba năm đời sống công khai của Ngài.

Khi suy niệm về lối sống thứ hai, đời sống ẩn dật, Anh Charles viết rằng có hai cách để bắt chước Đức Giêsu trong sa mạc. Cách thứ nhất là cách dành riêng cho một vài tâm hồn được Thiên Chúa gọi, những người này tìm thấy nơi Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Maria Mađalena những gương mẫu, bởi các ngài sống gần như cả cuộc đời trong sa mạc. Cách thứ hai là của tất cả những tâm hồn ước muốn bước theo Đức Giêsu, bởi cũng như đối với Đức Giêsu, sa mạc là sự chuẩn bị bắt buộc để theo Ngài. Khi đó, sa mạc có nghĩa là những cuộc tĩnh tâm, thời gian cô tịch, tâm niệm, suy niệm, cầu nguyện và hãm mình (9).

Charles de Foucauld nói rằng cách thứ nhất để sống sa mạc, theo cách của Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Maria Mađalena, thì không dành cho Anh, bởi Anh được gọi để sống mầu nhiệm Nadarét. Anh cảm thấy cách thứ hai để sống sa mạc liên quan đến Anh nhiều hơn, tức là lấy những thời gian tĩnh tâm trong cô tịch với Chúa Giêsu. Anh thấy bắt chước Chúa Giêsu trong cách này là điều duy nhất cần thiết để trở nên tất cả với Chúa Giêsu. Tôi nghĩ chính theo cách đó mà chúng ta phải hiểu lá thư Anh viết cho Cha Jérôme, một đan sĩ ở Staoueli, trẻ hơn Anh Charles 20 tuổi, là người có một tình bạn thân thiết với Anh và đang chuẩn bị lãnh chức linh mục, chúng ta cũng thấy đoạn thư nổi tiếng này được gần như tất cả mọi người  trích dẫn, và đã khiến Anh Charles trở nên “vị thầy của sa mạc” (10), “một người cha gương mẫu của sa mạc” (11), “ẩn sĩ của sa mạc” (12), người đã canh tân linh đạo sa mạc trong thời đại chúng ta (13) : “Phải đi qua sa mạc và lưu lại đó để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa : chính tại đây mình tự làm rỗng mình đi, mình đuổi khỏi mình tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, và mình dọn trống hoàn toàn căn nhà nhỏ này của tâm hồn mình hầu để chỗ hoàn toàn cho một mình Thiên Chúa” (14).

  1. Thụ phong linh mục : ở Sahara để loan báo Tin Mừng

Tháng 8.1900, Anh Charles rời khỏi Nadarét và trở về Pháp bởi Anh đã chín chắn ơn gọi linh mục; Anh được thụ phong linh mục ngày 9.6.1901 tại Viviers. Trở nên tương hợp với Đức Kitô, linh mục vĩnh viễn, Anh khao khát hết lòng để trở nên như Ngài, Đấng Cứu Độ, nhưng không phải “ở Đất Thánh nơi có dồi dào các linh mục và tu sĩ và có rất ít người cần cứu độ”, nhưng Anh muốn “đi đến với những con chiên lạc”, những người xa lạ nhất,những linh hồn bị bỏ rơi nhất, những người cô độc nhất, hầu chu toàn đối với họ bổn phận yêu thương, đòi hỏi tột đình của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, chính ở điều đó mà người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy”. Bởi kinh nghiệm, biết không có dân tộc nào bị bỏ rơi hơn những người Hồi giáo ở Marốc, ở Touat, ở Sahara bên Algérie ( có 13 linh mục cho một giáo phận rộng gấp 7 hay 8 lần so với nước Pháp và gồm có ít là 12 đến 15 triệu dân), tôi đã xin và đã được phép đến Beni-Abbès, một ốc đảo nhỏ của Sahara bên Algérie, gần biên giới Marốc” (15).

Như Chúa Giêsu đã sống trong ngôi làng Nadarét xa xôi, sống nghèo giữa những người nghèo, bây giờ, Anh Charles hiểu rằng đối với Anh cũng vậy, anh phải sống cuộc sống ẩn dật Nadarét giữ những người nghèo và những người bị bỏ rơi nhất. Anh phải dâng tặng bữa tiệc Thánh Thể và Sự Thật, tức là Chúa Giêsu cho họ, cho những người từng là nguồn gốc cho sự hoán cải của Anh. Anh muốn đến sống giữa họ không phải như những vị truyền giáo cổ điển thời đại Anh, nhưng với nét riêng của Anh, với đặc sủng Nadarét của Anh:

“Tôi vừa được phong linh mục và tôi đang tiến hành các bước để đi Sahara, tiếp tục sống “đời sống ẩn dật của Đức Giêsu ở Nadarét”, không phải để giảng dạy, nhưng để sống trong cô tịch, trong nghèo khó, với công việc làm khiêm tốn của Đức Giêsu, đồng thời tìm cách làm ích cho các linh hồn, không phải bằng lời nói, nhưng bằng việc cầu nguyện, dâng Thánh Lễ, hãm mình, thực thi bác ái” (16).

Chúng ta sẽ xem lý tưởng này được tiến triển thế nào với thời gian Anh sống trong sa mạc và khi Anh gặp gỡ cư dân của sa mạc : kinh nghiệm sẽ dạy Anh chuyển biến giữa nhiệt huyết rao giảng, cho tới mức tử vì đạo nếu cần, với sự kiên nhẫn để biết chờ đợi lúc thuận tiện : một cách thức thật sự mang tính Tin Mừng và tương hợp với cách hành động của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng ta.

  1. Beni-Abbès và Tamanrasset

Vậy là Anh Charles lên đường đến đất Phi Châu với một ước muốn sâu xa và được đâm rễ sâu, ước muốn loan báo Tin Mừng : Anh muốn dâng hiến cả cuộc đời mình cho những anh em nghèo này mà “đối với họ tất cả đều thiếu vì họ thiếu Chúa Giêsu”. Ngày 28.10, Anh đến Beni-Abbès với xác tín mạnh mẽ “bắt chước Đức Thánh Trinh Nữ trong mầu nhiệm Thăm Viếng bằng cách như Mẹ, trong thinh lặng, mang Đức Giêsu và thực hành những nhân đức Tin Mừng, không phải nơi nhà Thánh Êlisabeth nhưng giữa các dân tộc ngoại giáo, hầu thánh hóa những con cái bất hạnh này của Thiên Chúa bằng sự hiện diện của Thánh Thể và gương mẫu về các nhân đức Kitô giáo” ( 17).

Chúng ta phải nhận ra rằng, để sống điều đó, Charles de Foucauld muốn xây dựng một huynh đoàn, nhưng trong đầu Anh, huynh đoàn này có hình ảnh và hình thức của một đan viện : trong ngôn ngữ, trong nơi chốn và nhà ở, trong giờ giấc, thức ăn, nội cấm, việc làm tay chân, phương pháp mục vụ (18). Đó là điều R.Voillaume gọi là “giấc mơ đan viện” trong những năm đầu ở Sahara (19). Nhưng đồng thời, Anh Charles muốn đan viện của mình trở nên giống như nhà Nadarét, một nơi gặp gỡ giữa những con người và cùng với Thiên Chúa, và Anh sung sướng mở cửa cho tất cả mọi người, Anh đặt mình phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo hơn và cần hơn : người nô lệ, trẻ mồ côi, người bị bỏ rơi (20). Và khi đó, cuộc sống Anh, đáng lẽ phải là cuộc sống ẩn dật hơn, lại trở thành một cuộc sống gia đình, đầy những cuộc gặp gỡ. Anh không thể làm cách khác, bởi khi đến đất Phi Châu, Anh có ý định “làm cho tất cả dân cư, Kitô giáo, Hồi giáo, Do thái giáo và người ngoại giáo quen nhìn tôi như người anh em của họ – người anh em phổ quát…- Họ bắt đầu gọi căn nhà là “nhà huynh đệ” (tiếng Ả Rập là Khaoua), và điều đó khiến tôi  thật thích thú…”(21).

Ở đây có một biến cố mới : dần dần Anh cảm thấy có một sự chênh lệch giữa lý tưởng của Anh và cuộc sống Anh đang sống ở Beni-Abbès. Anh không còn thoải mái nữa, bởi Anh không còn sống đời sống Nadarét nữa : Anh đang trở thành một nhà truyền giáo cổ điển. Anh không chối từ điều đó nếu đó là Thánh Ý Thiên Chúa, nhưng Anh tìm kiếm một cách thức thích hợp hơn với đời sống Nadarét. Anh tìm thấy điều đó ở Tamanrasset : một ốc đảo ở giữa lòng Sahara, một nơi qua lại của những bộ lạc Touareg, nơi đây anh sẽ sống một đời sống khiêm tốn, khó nghèo và ẩn dật, và “Tamanrasset cùng với 40 gia đình nông dân nghèo đúng là nơi có thể là Nadarét và Bêlem thời của Thiên Chúa chúng ta” (22).

Ở đây, một lần nữa, Anh Charles muốn lấy : “như mục đích, cuộc sống Nadarét, trong mọi sự và cho mọi sự, trong sự đơn sơ và rộng rãi của nó […], chẳng hạn cho tới lúc các Tiểu đệ và Tiểu muội được thành lập, sống không có tu phục – như Chúa Giêsu Nadarét – ; không có nội cấm – như Chúa Giêsu Nadarét – ; không lập nhà cách xa nơi có dân cư ngụ,  nhưng gần một làng – như Chúa Giêsu Nadarét – ; không lao động dưới 8 tiếng mỗi ngày (công việc tay chân hoặc việc nào khác, nhưng nên làm việc tay chân khi có thể được) – như Chúa Giêsu Nadarét – ; không có nhiều đất đai,không có nhà cửa đồ sộ, không sử dụng những khoản chi phí lớn, cũng không quá rộng tay trong việc bố thí, nhưng vô cùng nghèo khó trong mọi sự – như Chúa Giêsu Nadarét…- Nói tóm lại trong một từ  – Chúa Giêsu Nadarét” (23).

Khi gặp thấy tinh thần nguyên thủy của Nadarét, Anh Charles cũng gặp thấy cách thức để loan báo Tin Mừng của Nadarét. Con người nóng bỏng vì nhiệt huyết để tỏ lộ công trình của Thiên Chúa phải để qua một bên  óc chinh phục và đón nhận tinh thần của sự chờ đợi, đầy lòng tốt; một việc tông đồ bằng sự hiện diện khiêm tốn bên cạnh những người anh em này có nền tảng là cuộc gặp gỡ cá nhân và sự đối thoại với người khách. Ngày 6.3.1908, Anh viết cho vị Giám quản Tông Tòa của mình :

Rao giảng CHÚA GIÊSU cho người Touareg, con không tin là CHÚA GIÊSU muốn điều đó nơi con hay nơi bất cứ ai. Đó sẽ là cách làm chậm lại việc theo đạo của họ, chứ không phải làm tiến bước. Điều đó sẽ khiến họ nghi ngờ, sẽ làm mình xa cách họ chứ không phải là đến gần họ…[…] Phải đi đến một cách rất thân trọng, từ từ, để làm quen với họ, làm cho mình trở nên bạn của họ, và rồi sau đó, dần dần, chúng ta sẽ có thể đi xa hơn với một vài tâm hồn đặc biệt sẽ đến và sẽ thấy nhiều hơn những người khác, và chính những tâm hồn này sẽ lôi kéo những người khác” (24).

Dần dần khi chúng ta biết Anh Charles sâu hơn, chúng ta cảm thấy thái độ này không phải là một lý thuyết, một chương trình được soạn ra trên bàn giấy, nhưng đó là sự tổng hợp của một kinh nghiệm phong phú và lâu dài, luôn được nuôi dưỡng trong “đường cày” của Chúa Giêsu Nadarét. Thật vậy, trong suốt 30 năm, Chúa Giêsu Nadarét đã không giảng dạy, cũng chẳng làm phép lạ hay làm những dấu chỉ gì lớn lao, nhưng Ngài đã sống giữa đồng bào của mình và việc loan báo Nước Trời đã được thông truyền bằng những cuộc đối thoại và gặp gỡ từng ngày giữa Chúa Giêsu với họ và bằng đức bác ái, bằng việc phục vụ mà Ngài có thể làm hay do hàng xóm láng giềng xin Ngài.

Charles de Foucauld rất ý thức rằng một việc tông đồ như thế, được ghi dấu bởi sự thánh thiện và được điều khiển bởi tình yêu thương thân hữu với tất cả mọi người, không hề dễ dàng. Anh biết rằng điều đó sẽ cần rất nhiều thời gian : có được sự tín nhiệm của người dân, cải tạo điều kiện sống của họ, làm họ quen với Kitô giáo, không phải là công việc của một vài ngày, nhưng là một công trình đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn, nhiều hy vọng và nhất là cần nhân sự, không phải chỉ là các linh mục và tu sĩ, nhưng cả những giáo dân, như Aquila và Priscilla, sống trà trộn với người dân để làm chứng về đức tin và tình yêu thương của mình.

5.1. Trong cuộc sống thường nhật        

Anh Charles diễn giải một cách cụ thể trong đời sống thường nhật phương pháp mục vụ này thế nào, điều sẽ làm cho Anh trở nên không phải một ẩn sĩ của sa mạc nhưng một ngôn sứ của việc truyền giáo mới ?

Trong mục XXVIII, Anh sẽ đưa ra cho các môn đệ của Anh như : “Những phương tiện chung và đặc biệt để cho sự hoán cải của những tâm hồn còn xa cách với Chúa Giêsu, và nhất là những người ngoại giáo, chín  điểm này :

1.Hy tế của Thánh lễ, bằng cách gia tăng số Thánh lễ cử hành trong vùng những người ngoại giáo, dâng lễ với ý chỉ để cho sự hoán cải của họ, và cầu nguyện sốt sằng cho sự hoán cải này trong Thánh lễ.

2.Bí tích Thánh Thể, bằng cách gia tăng số Nhà Tạm trong vùng những người ngoại giáo, phát triển trong đất nước ngoại giáo việc tôn thờ Thánh Thể, và cầu nguyện sốt sắng trước Thánh Thể cho việc trở lại của người ngoại giáo.

3.Việc thánh hóa bản thân, bởi vì linh hồn làm điều tốt trong mức độ sự thánh thiện của mình.

4.Việc cầu nguyện.

5.Việc hãm mình, nghĩa là hy sinh, chấp nhận những thập giá Thiên Chúa gởi đến, và những hành động phạt xác tự nguyện được cha linh hướng cho phép.

6.Gương tốt, bằng cách trở nên gương mẫu về cuộc sống theo Tin Mừng, làm cho người ta nhìn thấy Tin Mừng trong cuộc sống của mình, trở nên những Tin Mừng sống động, khi nhìn thấy những cuộc sống như vậy người ta sẽ biết thế nào là đời sống Kitô hữu, thế nào là Tin Mừng, thế nào là Chúa Giêsu.

7.Lòng tốt, để làm cho mình được yêu thương và làm cho người ta yêu thích tất cả những gì thuộc về mình, tôn giáo của mình và Chúa Giêsu, Thầy của mình.

8.Xây dựng tương quan tình bạnvới những con người, không ngừng lưu ý làm điều ích lợi cho linh hồn họ, đi đến với những người mình muốn họ hoán cải và đặc biệt là những người ngoại giáo, sống trà trộn với họ và gắn bó tình bạn thân thiết với họ.

9.Hỗ trợ cho các linh mục, tu sĩ nam nữ làm việc vì ơn cứu độ các linh hồn ở ngoài những nơi mình sống, và đặc biệt cho những người làm việc vì sự hoán cải của dân ngoại.

Tôi muốn nói ít lời về một vài phương tiện này, những điều tôi cho là đặc trưng của linh đạo Anh Charles, để cụ thể hơn cách thức rao giảng Tin Mừng của Anh.

1-2.Thánh Thể

Chúng ta có thể đặt trong chủ đề này hai điểm đầu tiên, trong đó Anh Charles nói về việc cử hành Thánh lễ và Thánh Thể. Đây là mầu nhiệm nhập thể, mầu nhiệm trung tâm trong linh đạo Anh Charles. Mầu nhiệm này tiếp tục trong sự hiện diện Thánh Thể, và Anh Charles tin vững vàng vào hiệu quả cứu độ và thánh hóa của Thánh Thể. Cho nên Anh dành rất nhiều thời gian ở trước Thánh Thể. Đối với Anh, Thánh Thể là sự hiện diện thực tế, xác thực của Chúa Giêsu :”Thánh Thể, chính là Chúa Giêsu, là tất cả Chúa Giêsu” (26).

Nhưng Anh Charles cũng khám phá Thánh Thể không chỉ là bí tích của sự hiện diện sống động, thực tế và xác thực của Chúa Giêsu, nhưng còn là bí tích của hy tế thập giá. Và do vậy Anh chấp nhận ý tưởng mà Anh đã từng từ chối nhiều lần, đó là sẵn sàng “mang Chúa Giêsu, trong thinh lặng, tới những dân tộc ngoại giáo và thánh hóa họ một cách âm thầm bằng sự hiện diện của Nhà Tạm như Đức Thánh Trinh Nữ đã thánh hóa ngôi nhà của Gioan khi mang Chúa Giêsu tới đó” (27).

Khi đến Sahara, Anh sẽ có một khám phá nữa liên quan đến Thánh Thể : Anh Charles chuyển từ “bí tích bàn thờ” sang “bí tích người nghèo”, bởi Anh hiểu rằng việc phục vụ Thánh Thể và phục vụ người nghèo đều là sự tôn thờ đối với Thân Thể Đức Kitô. Anh làm chứng về điều này một vài tháng trước khi qua đời, khi Anh viết cho L.Massignon, như thể một di chúc :

“Tôi nghĩ rằng, không có một lời nào trong Tin Mừng đã đem lại cho tôi một ấn tượng sâu xa hơn và đã biến đổi đời sống tôi nhiều hơn cho bằng câu này : “Tất cả những gì anh em làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây là anh em đã làm cho chính Thầy vậy”(x.Mt 25,40). Nếu chúng ta nghĩ rằng những lời này là lời của Chân lý không do ai tạo ra, nhưng lời từ miệng Đấng đã nói : “Này là Mình Thầy…này là Máu Thầy…”, thì chúng ta sẽ được thúc đẩy một cách mạnh mẽ để đi tìm và yêu mến Chúa Giêsu trong những “người bé nhỏ”, những tội nhân, những người nghèo hèn này, mang theo tất cả những phương tiện vật chất của Ngài để làm nhẹ đi những khốn cùng hiện tại” (28).

Thánh Thể không còn là một việc tôn thờ đơn giản, nhưng đúng hơn là một hình thức sống, một cách thức sống, được học và sống từ và bởi Đấng là Thánh Thể, do vậy đây là việc tưởng niệm cái chết và sự phục sinh vì ơn cứu độ của thế giới. Từ Ngài, Anh cũng sẽ học để cho đi cuộc sống mình. Cái chết ngày 1.12.1916 có một cái gì đó của Thánh Thể, đó sẽ là máu đổ ra hợp với hy tế của Chúa Giêsu. Đó là điều Cha Huvelin đã viết cho Anh khi Anh lên đường đi Algérie : “Xin Thiên Chúa đồng hành với con và cho con làm điều tốt, hòa lẫn việc của con với việc của Ngài, máu của con với máu của Ngài” (29).

3.Sự thánh thiện cá nhân

Dưới con mắt Anh Charles, điều đó có nghĩa là việc loan báo thì không đủ : phải nên giống với Đức Giêsu Kitô. Trong một ghi chú viết dịp tĩnh tâm mùa Vọng năm 1904, Anh đã khẳng định : “Hãy chỉ ra trong tôi Kitô giáo được sống thế nào, thế nào là một Kitô hữu, một chân dung của Chúa Giêsu : “Kitô hữu là một Chúa Kitô khác”.

Để được điều đó, Anh xin các môn đệ tương lai của mình :

“Các tiểu đệ và tiểu muội Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ lấy như nội qui của mình là luôn tự hỏi trong mọi sự điều Chúa Giêsu nghĩ, nói và làm nếu Ngài ở chỗ của mình, và hãy làm như vậy. Họ sẽ cố gắng không ngừng để ngày càng nên giống Chúa Giêsu, lấy gương mẫu là đời sống của Ngài ở Nadarét, đời sống này cung cấp những gương mẫu ở mọi tình huống. Mức độ của sự bắt chước là mức độ của tình yêu” (30).

Và Anh khuyến khích họ :

“Bằng gương sáng, các anh chị phải là một bài giảng sống động : mỗi người trong họ phải là một gương mẫu của cuộc sống theo Tin Mừng, khi nhìn thấy họ người ta phải thấy thế nào là đời sống Kitô hữu, thế nào là đạo Chúa Kitô, thế nào là Tin Mừng. Sự khác biệt giữa cuộc sống của họ và cuộc sống của những người ngoài Kitô giáo phải tỏ lộ rõ ràng đâu là chân lý. Họ phải là một Tin Mừng sống động : những người sống xa Chúa Giêsu, và đặc biệt những người ngoại giáo, phải biết Tin Mừng khi nhìn cuộc sống của họ, dù không có sách vở và lời nói “ (31).

Xác tín về điều đó, Anh Charles sẽ trình bày sự thánh thiện (= trở nên một chân dung tuyệt hảo của Chúa Giêsu ) như “điều kiện thiết yếu” mà mỗi môn đệ và nhà truyền giáo phải có nếu muốn mang lại hoa trái, và thực thi việc rao giảng một cách phong phú :

“Chúng ta làm điều tốt không phải trong mức độ những gì mình nói và những gì mình làm, nhưng trong mức độ những gì mình là, trong mức độ của ân sủng  đi với hành động của chúng ta, trong mức độ Chúa Giêsu sống trong chúng ta, trong mức độ mà những hành động của chúng ta là những hành động của Chúa Giêsu hành động trong chúng ta và qua chúng ta. Mức độ của sự thánh hóa bản thân sẽ là mức độ của điều tốt đến từ lời cầu nguyện, sự hoán cải, gương sáng, những hành động của lòng tốt, những công trình của lòng nhiệt huyết. Điều trước hết phải làm để trở nên có ích cho các tâm hồn là nỗ lực hết sức mình và liên tục vì sự hoán cải bản thân” (32)

Anh Charles biết rằng vì một lý tưởng quá lớn và quá cao, Anh phải để chỗ trong mìnhcho Thánh Thần, khả năng duy nhất để thánh hóa chúng ta, để làm chúng ta thành những người đương thời với Chúa Giêsu và các thánh truyền giáo. Chính Thánh Thần làm cho người môn đệ trở nên một người yêu của Đức Kitô và Ngài cho phép người ấy tăng trưởng cho tới sự trưởng thành tròn đầy của Đức Kitô, nghĩa là một Tin Mừng sống động.

4,Cầu nguyện

Đối với Charles de Foucauld, cầu nguyện là một việc tông đồ phong phú thật sự và là một hình thức tông đồ xác thực, một việc tông đồ thật sự. Anh viết cho Louis Massignon :

“Hãy nghĩ nhiều đến người khác hãy cầu nguyện nhiều cho người khác. Hãy hiến dâng chính mình vì ơn cứu cứu độ của tha nhân bằng những phương tiện trong khả năng của mình, cầu nguyện, lòng tốt, gương lành ,v.v…đó là phương tiện tốt nhất để chứng tỏ với vị Hôn Phu là anh yêu mến Ngài : “ tất cả những gì anh em làm cho một trong những kẻ bé nhỏ này là anh em làm cho chính Thầy…” việc bố thí vật chất mình làm cho một người nghèo, đó chính là mình làm cho Đấng Sáng Tạo Vũ trụ, điều tốt mình làm cho một người nghèo, đó chính là mình làm cho Đấng thuần khiết không ai dựng nên…” (33)

Xác tín điều đó, Charles de Foucauld coi những phương tiện bên ngoài, tức là những công trình vật chất, như những phương tiện thứ yếu, đồng thời vẫn biết rằng Thiên Chúa có thể sử dụng chúng trong tự do của Ngài để hoán cải các tâm hồn. Chúng ta có thể xây dựng những đan viện, những sứ vụ, những giáo xứ, trường học và bệnh viện, nhưng  Anh Charles nhắc rằng những người truyền giáo “phải trở nên người cứu độ” bằng sự hiện diện của Thánh Thể và hy tế Thánh Thể, bằng việc bắt chước những nhân đức của Chúa Giêsu , bằng việc hãm mình và cầu nguyện, bằng việc từ thiện vả bác ái (34). Quan trọng không phải là xây dựng, mở ra những cơ cấu, nhưng quan trọng là người ta thấy nơi các tông đồ ngọn lửa của Thánh Thần, hương thơm của Đức Kitô, “sao cho hương thơm các nhân đức của Đức Kitô được tỏa ra xung quanh chúng ta và ‘thu hút’ mọi người theo Ngài bằng cách làm họ hít thở ‘mùi vị của hương thơm’này” (35)

5.Gương sáng, bằng cách trở nên những gương mẫu về cuộc sống theo Tin Mừng, làm cho người ta nhìn thấy Tin Mừng trong cuộc sống của mình, trở nên những Tin Mừng sống động, khi nhìn thấy những cuộc sống như vậy người ta sẽ biết thế nào là đời sống Kitô hữu.

Anh Charles biết rằng, ở giữa những người Tuareg không biết chữ, thì không phải lời nói là điều quan trọng, nhưng là gương sống; một phương tiện giúp họ suy nghĩ về chính họ và về cuộc sống của họ. Khi đến sống giữa họ, ở Beni-Abbès, Anh đã cảm nhận điều đó và Anh tự hỏi đâu là điều cần thiết để có thể dẫn người Hồi giáo đến với Thiên Chúa :

“Để đưa những người Hồi giáo đến với Thiên Chúa, phải chăng nên tìm cách làm cho họ nhìn thấy chúng ta giỏi giang trong một vài điều họ yêu thích : chẳng hạn họ thấy chúng ta táo bạo, là một kỵ binh giỏi, một thiện xạ, có một sự hào phóng hơi hào nhoáng,…hay bằng cách thực thi Tin Mừng trong sự đê hèn và nghèo khó, chạy chân không và không hành lý; làm việc tay chân như Chúa Giêsu ở Nadarét, sống một cách nghèo nàn như một người thợ tầm thường ?…”

Anh Charles kết luận : “Chúng ta phải tập sống không phải từ những Chamba, nhưng từ CHÚA GIÊSU” (36).

Không phải là gương sáng có tính cách giáo hóa nhưng là một gương sáng “mang tính Kitô” : “Trở nên gương mẫu về cuộc sống theo Tin Mừng, nghĩa là theo Chúa Giêsu” bởi”linh mục là một bình đựng Mình Thánh, vai trò của linh mục là chỉ cho người ta thấy CHÚA GIÊSU ; phải xóa mình mất đi và làm cho người ta thấy CHÚA GIÊSU” (37). Và lập tức sau đó, để không ở trong sự mơ hồ, Anh thêm : “ Tôi cố gắng để lại một kỷ niệm đẹp trong tâm hồn những người đến với tôi. Làm cho mình trở nên tất cả cho mọi người : cười với ai đang cười, khóc với ai đang khóc, để đưa tất cả mọi người đến với CHÚA GIÊSU. Đặt mình trong tư thế vừa tầm tay mọi người, để lôi kéo tất cả mọi người đến với CHÚA GIÊSU” (38).

Thái độ này làm nảy sinh cách thức tiếp đón riêng của Anh Charles :

“Đón tiếp tha nhân, đó chính là đón tiếp một chi thể Chúa Giêsu, một bộ phận của thân thể Chúa Giêsu, một phần của Chúa Giêsu; tất cả những gì chúng ta nói, chúng ta làm cho tha nhân, thì chính Chúa Giêsu là người nghe và đón nhận điều đó; tức là chúng ta nói, chúng ta làm cho Ngài… Với biết bao tình yêu, sự tôn trọng, niềm vui, ước muốn làm cho người đến với chúng ta điều tốt lớn nhất có thể trong tâm hồn họ, hay trong thân thể họ tùy theonhu cầu của họ và khả năng của chúng ta, với biết bao tình âu yếm ân cần mà chúng ta phải đón tiếp bất cứ ai đến với mình, mọi người bất luận họ là ai !…người nghèo đang rụt rè gõ cửa nhà chúng ta, vị bề trên đến thăm chúng ta nhân danh Giáo hội và Tòa Thánh, tất cả, tất cả, tất cả, người nghèo Hồi giáo và Giám mục, tất cả, tất cả, khi đón tiếp họ chúng ta đón tiếp Chúa Giêsu !” (39).

  1. “Lòng tốt, để làm cho mình được yêu thương và làm cho người ta yêu thích tất cả những gì thuộc về mình, tôn giáo của mình và Chúa Giêsu Thầy của mình”

Khi từ  Pháp trở về, năm 1909, Anh Charles viết trong Nhật ký của mình những lời khuyên của Cha Huvelin, cha linh hướng của Anh :

“Việc tông đồ của tôi phải là tông đồ bằng lòng tốt; khi nhìn thấy tôi, người ta phải tự nhủ rằng: “Bởi vì ông này tốt như thế nên tôn giáo của ông phải tốt” – Nếu người ta hỏi rằng tại sao tôi hiền từ và tốt lành, thì tôi phải nói : “Bởi vì tôi là tôi tớ của Đấng còn tốt lành hơn tôi nhiều, nếu các bạn biết Thầy GIÊSU của tôi tốt lành đến mức nào” (40)

Lòng tốt không phải là điều tình cờ nhưng là một cách thức sống, một chiều kích của cả cuộc sống chứ không phải là một mẩu của thời gian và của hành động chúng ta .

Lòng tốt này cũng trở nên phương tiện rao giảng Tin Mừng. Dưới ánh sáng này, chúng ta có thể đọc những lời khuyên  của Anh Charles viết cho Joseph Hours, người đã hỏi Anh dùng phương tiện nào để làm việc tông đồ giữa người Hồi giáo. Charles de Foucauld trả lời :

“Với tất cả những người họ có tương quan, không loại trừ ai, bằng lòng tốt, sự thân ái, tình yêu huynh đệ, gương lành, bằng lòng khiêm tốn và sự hiền lành, luôn có sức hấp dẫn và mang tính Kitô giáo.

Với một vài người, sẽ không bao giờ nói một lời gì về Thiên Chúa hay về tôn giáo, nhưng cứ kiên nhẫn như Chúa đã kiên nhẫn, tốt lành như  Chúa là Đấng tốt lành, yêu mến, trở nên một người anh em thân ái và cầu nguyện.

Với những người khác nữa thì sẽ nói về Chúa trong chừng mực họ có thể đón nhận được;[…] Nhất là hãy nhìn mỗi người như một người anh em – “tất cả các con đều là anh em với nhau, các con chỉ có một Cha ở trên trời” – hãy nhìn mỗi người như một người con của Thiên Chúa, một linh hồn được mua chuộc bằng Máu Chúa Giêsu, một linh hồn được Chúa Giêsu yêu thương, một linh hồn mà chúng ta phải yêu thương như chính mình, và chúng ta phải làm việc cho phần rỗi của linh hồn đó.

-Hãy loại trừ xa chúng ta tinh thần đấu tranh. CHÚA GIÊSU nói : “Thầy sai anh em đi như chiên giữa sói rừng”… Có một sự khác xa biết bao giữa cách làm và cách nói của CHÚA GIÊSU với tinh thần đấu tranh của những người không phải là Kitô hữu hoặc những Kitô hữu không tốt, họ chỉ thấy kẻ thù cần phải chống lại thay vì thấy người anh em bệnh hoạn mà mình phải chăm sóc, hay người bị thương nằm trên đường mà mình phải trở thành những người Samaritanô nhân hậu.

– Mọi Kitô hữu phải là tông đồ, đây là một bổn phận nghiêm ngặt của đức ái.

– Mọi Kitô hữu phải nhìn mỗi người như một người anh em yêu dấu; nếu là một tội nhân, kẻ thù của Thiên Chúa, thì họ giống như một bệnh nhân, một bệnh nhân nặng mà chúng ta phải có lòng xót thương thật sự và tận tình săn sóc như đối với một người anh em mất trí… Những người ngoài Kitô giáo có thể coi một người Kitô hữu là kẻ thù, nhưng người Kitôhữu thì luôn là người bạn thân thiết của mọi người; họ có những tâm tình của Trái Tim Chúa Giêsu đối với mọi người.

– Sống bác ái, hiền lành, khiêm tốn với tất cả mọi người, đó là những điều mà chúng ta đã học nơi CHÚA GIÊSU. Đừng chống lại ai cả: Chúa Giêsu đã dạy chúng ta ra đi “như chiên giữa sói rừng”, không được nói năng một cách chua chát, gắt gỏng, lăng nhục, hay dùng vũ khí.

– “Trở nên tất cả cho mọi người để đem họ đến với CHÚA GIÊSU, bằng cách có lòng tốt và tình yêu huynh đệ đối với mọi người, làm những gì có thể làm để giúp đỡ họ, xây dựng một tương quan yêu thương, trở nên người anh em thân thiết của mọi người để dần dần đưa các linh hồn đến với CHÚA GIÊSU, bằng cách thực thi sự dịu hiền của Ngài.

– Không ngừng đọc đi đọc lại Tin Mừng để luôn luôn có trong tâm trí những hành động, lời nói, tư tưởng của CHÚA GIÊSU, hầu có thể suy nghĩ, nói năng, hành động như CHÚA GIÊSU, theo những gương mẫu và giáo huấn của CHÚA GIÊSU chứ không theo cách sống của thế gian, chúng ta rất dễ rơi vào cách lối đó ngay khi chúng ta rời mắt khỏi Gương mẫu Thiên Chúa” (41).

Theo tôi thấy, trong những lời khuyên này không chỉ có kinh nghiệm của Anh Charles nhưng cũng có và nhất là có nét đặc trưng căn bản của việc rao giảng Tin Mừng theo Charles de Foucauld. Chúng ta không cần phải thực hiện những công trình vĩ đại hay có những phương tiện lớn lao, nhưng đơn giản là yêu mến anh chị em mình và chiêm ngưỡng Thiên Chúa :

“Nhất là bằng cách nhìn, chiêm ngắm không ngừng Đấng Chí Ái GIÊSU, với đầy tình yêu, trong sự nặng nhọc hàng ngày, canh thức ban đêm trong việc thờ lạy Bánh Thánh và cầu nguyện, bằng cách luôn cho việc thiêng liêng chỗ nhất quan trọng, bắt chước CHÚA GIÊSU Nadarét trong tình yêu Ngài đối với Thiên Chúa một cách say đắm còn hơn mọi sự khác. Và khi làm cho tình yêu lớn lao này của THIÊN CHÚA và của CHÚA GIÊSU tuôn chảy, lan tỏa trên tất cả mọi người “ mà Đức Kitô đã chết cho họ”, và bằng cách làm hết sức mình tất cả những gì Ngài đã làm ở Nadarét để cứu độ linh hồn họ, thánh hóa họ, an ủi, nâng đỡ, trong Ngài, bởi Ngài, như Ngài…” (42)

Lòng tốt này cũng trở nên một dấn thân mạnh mẽ cho sự phát triển của người Touareg. Nếu, một mặt, chúng ta phải biết rằng Anh Charles chắc chắn bị mặc chiếc áo của xâm chiếm thuộc địa do hoàn cảnh lịch sử, đồng thời cũng có can đảm tố cáo những lạm dụng và sự trì trệ, nhất là việc quản trị tồi tệ, thì mặt khác, chỉ cần đọc thư từ của Anh trong những năm này để khám phá đức ái mà Anh đã nỗ lực trong việc phát triển Sahara như thế nào : học ngôn ngữ, dự án tuyến đường xuyên Sahara, máy đánh điện tín, mở những con đường mới, khí tượng học, tìm kiếm các nữ tu để giáo dục các trẻ nam và lo vấn đề sức khỏe (43). Thậm chí Anh còn liên hệ với một triết gia Ba Lan, ông W. Lutoslawski, để định cư những ốc đảo với “các gia đình Kitô giáo tốt người Ba Lan” để phát triển nông nghiệp (44).  

 7.Tình bạn.

“Xây dựng tương quan tình bạn với những con người, không ngừng lưu ý làm điều ích lợi cho linh hồn họ, đi đến với những người mình muốn họ hoán cải và đặc biệt là những người ngoại giáo, sống trà trộn với họ và gắn bó tình bạn thân thiết với họ”.

Muốn trở nên những “người bạn phổ quát, những anh em phổ quát và trong mức độ tối đa có thể được, những người cứu độ phổ quát” (45) để rao giảng Tin Mừng thì không đủ, nhưng phải tập làm thế nào sống điều đó trong những tương quan láng giềng. Chính vì thế mà Anh Charles có một sự đón tiếp không bao giờ thiếu ân cần đối với người dân, nhưng luôn đầy tình thân ái :

“Hãy luôn tế nhị trong đức ái của mình; đừng tự giới hạn mình trong những việc phục vụ lớn lao, hãy có sự tế nhị tinh tế biết đi vào trong  những chi tiết và biết đem lại “dầu xức” cho các cõi lòng bằng những điều nhỏ nhặt […] Hãy đi vào như thế với những người sống gần bên chúng ta trong những chi tiết nhỏ về sức khỏe, niềm an ủi, lời cầu nguyện, những nhu cầu; hãy an ủi, hãy đỡ nâng bằng những lưu ý nhỏ nhất; đối với những người Thiên Chúa đặt để bên cạnh chúng ta, hãy có lòng âu yếm này, sự tế nhị, những quan tâm nho nhỏ cần có giữa nhau như những anh chị em rất thân ái, và như những người mẹ rất âu yếm đối với con cái mình, hầu an ủi tối đa có thể được tất cả những người xung quanh ta, và đối với họ hãy trở nên một đối tượng của sự an ủi và là “dầu xúc” mà Chúa chúng ta luôn luôn làm cho tất cả những ai đến gần Ngài” (46).  

Để đến gần hơn với những người Touareg và sống tình huynh đệ này với họ, Anh không ngần ngại học ngôn ngữ và văn hóa của họ, bởi Anh biết rằng phương tiện duy nhất, không chỉ để chuẩn bị con đường cho các nhà truyền giáo tương lai, nhưng nhất là để đi vào tương quan với người dân, xác tín rằng Anh sẽ không thể “làm ích cho người Touareg mà không nói chuyện với họ và biết ngôn ngữ của họ” (47) . Anh biết rằng khi học ngôn ngữ của họ, Anh sẽ có thể hiểu họ, hiểu văn hóa của họ và điều đó có mục đích để trân trọng lẫn nhau, để có đức ái đối với nhau, và đó là tình huynh dệ (48).

Tình bạn thì không áp đặt, nhưng luôn luôn là dâng tặng, sẵn sàng đối với tất cả những người đến gõ cửa nhà Anh.

“Phải làm cho người Hồi giáo chấp nhận chúng ta, làm chúng ta trở nên người bạn tin cậy của họ, người mà họ sẽ đến tìm khi họ sống trong nghi ngờ hay buồn chán, người mà họ tuyệt đối dựa cậy vào tình thân ái, sự khôn ngoan và công bằng.[…] Do vậy, cuộc sống tôi là cuộc sống tạo tương quan tối đa có thể được với những người sống xung quanh tôi, và giúp họ trong tất cả những gì tôi có thể”(49).

Khi chia sẻ cuộc sống của họ, Anh sẽ cầu nguyện cho họ, Anh sẽ là người bạn tin cậy và là cố vấn của họ. Để trở nên gần hơn với người dân, năm 1910, Anh Charles xây dựng một nhà chòi thứ hai cách Tamanrassset khoảng 60 cây số, trong vùng núi Assekrem. Anh đến đây cư ngụ từ 6.7 đến 13.9.1911, sung sướng vì vẻ đẹp của nơi này, nó giúp Anh trong việc chiêm ngắm và gặp gỡ với hàng xóm láng giềng (50).

Kết thúc

Tôi thấy chúng ta có thể kết thúc bằng cách nói rằng khi sống giữa những người Touareg, Anh Charles đã khám phá sự sung mãn của ơn gọiAnh, ơn gọi rao giảng Tin Mừng theo cách của mầu nhiệm Thăm Viếng : Anh sẽ là người anh em của họ khi kết nối với họ những tương quan của lòng tốt, của tình bạn, để đem họ, tất cả, đến với Chúa Giêsu, đến với ơn cứu độ. Giữa những người Touareg ở Sahara, Anh Charles không phải là một ẩn sĩ thinh lặng, nhưng là một tông đồ thật sự (51)

Chúng ta tìm thấy bí quyết của việc tông đồ này, bí quyết sự hiện diện của Anh ở sa mạc, trong một bài suy niệm về Mt 25,45 : “Mỗi lần anh em không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là anh em đã không làm cho chính Thầy vậy”.

Chính đức tin đồng thời cả đức ái mà Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta ở đây : Ngài truyền dạy chúng ta một đức tin dẫn đến đức ái : đức tin, đó là nhìn thấy chính Ngài ở trong mọi con người : Ngài muốn chúng ta tin là Ngài ở trong mọi con người với một tình yêu rất trìu mến đến nỗi mọi điều tốt hay điều xấu làm cho một trong những người này sẽ được Ngài cảm nhận như làm cho chính Ngài : Ngài truyền cho chúng ta phải tin điều đó…Hãy có đức tin này và hãy đem ra thực hành : hãy có ý nghĩ này liên lỉ trước mắt; cũng thường xuyên như chúng ta trong sự hiện diện của một con người : Chúa Giêsu truyền cho chúng ta điều đó : đây là một bổn phận của đức tin, tin có niềm tin này một lần cho tất cả, đây là một bổn phận của đức vâng lời, của đức công bằng và của tình yêu, có trong việc thực hành cách nhìn mới này, ý nghĩa mới này, nó làm cho chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu nơi mỗi con người…[…] Đức tin này không thể thiếu, và đức tin này càng sống động thì nó càng chiếu sáng, bền bỉ, không tì vết, tôi sẽ chu toàn hơn nữa những bổn phận yêu thương toát ra từ đó, những bổn phận hoàn toàn biến đổi cuộc sống tôi” (52)

Lần này, không chỉ biến đổi hoàn toàn cuộc sống Anh, nhưng nhất là đã thay hình đổi dạng gương mặt của anh, như vậy, một cách không chút nghi ngờ, tất cả mọi người có thể thấy và chiêm ngắm nơi gương mặt Anh gương mặt thánh của Người Anh chí ái là Chúa Giêsu của chúng ta”. 

 

Cha Andrea Mandonico, SMA

Phó thỉnh nguyện viên án phong thánh

Cho Anh Charles Chúa Giêsu.

Chú thích :

1.SEQUERI, P.A. Charles de Foucauld,  il Vangelo viene da Nazaret, Ed. Vta e Pensiero. Milano 2012,53-54.

2.Xem MAXENCE, J.L. Le désert de CdF, Le livre des déserts. Itinéraires scientifiques, littéraires et spirituels (sous la direction de Bruno Doucey), Laffont,Paris 2006,1045

3.Xem H.LAPERRINE, “les étapes de la conversion d’un huzard”, CCF 8,1948,143.

4.Xem MAXENCE, J.L. o.c. 1045

5.CdF. Thư viết cho Henry de Castries, NXB Grasset, Paris 1938,96, Nouvelle Cité, Paris 2011.

6.Cfr.CdF, Cha de Foucauld – Abbé Huvelin, Correspondance inédite, Desclée, Paris 1957,31; Nouvelle Cité,2010.

7.CdF. Thư gởi Bà de Bon dy, DDB,Paris 1966,77.

8.CdE.Qui peut résister à Dieu ?, 66.

9.Cfr. CdF. Crier l’Evangile, 62; La Bonté de Dieu, 84-85; Considération sur les fêtes de l’année, 154-155.

10.CHABAR,J. Le marabout du désert, Fleurus, Paris 1966.

11.JAUFFRES,J. Un moderne père du désert, le révérend père CdF. Bonne Presse, Paris 1947.

  1. ANDRE, M. L’ermite de grand désert. Le Père CdF. NXB. Apostolat de la prìere, Toulouse, 1937.
  2. BENEDICTIN DE LA PIERRE-QUI-VIRE, Spiritualité du désert. Le Père de Foucauld. NXB.St Paul. Paris 1946.
  3. Cfr.CdF. Cette chère dernìere place. 182-184.

15 CdF. Lettres à un ami de lycée. Correspondance inédite avec Gabriel Tourdes, Nouvelle Cité, Paris 1982, 159-160.

  1. CdF. Lettres à Henry de Castries, 98-99
  2. CdF.Voyageur dans la nuit, 109.
  3. Cfr. MANDONICO, A. Nazaret nella spiritualità di CdF. CDF. @002, 215-218.
  4. R.VOILLAUME, CdF et ses premiers disciples, Bayard Editions/Centurion, Paris 1998, 14.

20 Cfr. Lettres à Henry de Castries, 85

  1. GORREE, G. Sur les traces de CdF. Les Editions de la plus grande France, Lyon 1936, 136.
  2. CdF. Lettres à Mme de Bondy, 214.

23 CdF. Carnets de Tamanrasset, 46.

  1. CdF. Correspondances Sahariennes, 605-606.
  2. CdF.Nội qui, 591-592.
  3. CdF. La Bonté de Dieu, 76.
  4. CdF. Correspondances Sahariennes, 530.
  5. CdF. L’Aventure de l’amour de Dieu. 210.
  6. CdF. Père de Foucauld –Abbé Huvelin. Correspondance inédite, 193.
  7. CdF. Nội qui và Chỉ nam, 614.
  8. CdF, Nội qui, 647.

32 CdF. Nội qui và Chì nam, 645.

  1. SIX, JF. L’Aventure de l’amour de Dieu, 210.
  2. CdF. Nội qui và Chỉ nam, 105.
  3. CdF. Nội qui và Chỉ nam, 232.
  4. CdF, Sổ tay Beni-Abès, 69.

37 CdF. Sổ tay Tamanrasset, 188.

38 Như trên.

  1. CdF. Tiểu đệ, 67.
  2. CdF. Sổ tay Tamanrasset. 188.
  3. CdF. Correspondances lyonnaises, NXB.Karthala, Paris 2005,90-93.
  4. CdF. Sổ tay Beni-Abbes, 104.
  5. Cfr. SERPETTE.M. Foucauld au désert, DDB.Paris 1997. 167-173.
  6. B.JACQUELINE. “Correspondance avec Lutoslawski”, in BACF, 78, Avril 1985, 14.
  7. CdF. Nội qui và Chỉ nam, 234.
  8. CdF. La bonté de Dieu, 124-125.
  9. CdF. Père de FoucauldpAbbé Huvelin. Correspondance inédite, 291.
  10. X.CdF. Correspondances Sahariennes, 758-759.
  11. Cfr. SIX.JF. L’aventure de l’amour de Dieu, 202.
  12. Cfr. Lettres à Mme de Bondy 198-199; CdF. Correspondances Sahariennes, 785.
  13. POIRIER,L. CdF. Về tiếng gọi của thinh lặng, Mame, Tours, 1936; BAZIN.R. CdF. Explorateur du Maroc, ermite au Sahara, Plon, Paris 1921; Nouvelle Cité, Paris 2003.

52 CdF. L’Esprit de Jésus, 125-126.