Vì sao Charles de Foucauld là vị thánh mà giới trẻ “tìm kiếm”

CHARLES DE FOUCAULD (1858 – 1916): Người ta không thưa ngay được rằng: “Lạy cha, con phó mình con cho cha.” Đó là một cuộc chiến tâm linh. Chúng ta phải đi theo con đường mà Charles de Foucauld đã vạch ra cho chúng ta.

Vào ngày 15 tháng 5 năm 2022, Chân phước Charles de Foucauld sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên phong hiển thánh tại Roma. Đức Cha Jean-Claude Boulanger, Giám mục hiệu tòa của Bayeux-Lisieux và là tác giả cuốn “ Kinh Phó thác – Con đường tín thác với Charles de Foucauld” (La prière d’abandon – Un chemin de confiance avec Charles de Foucauld) giới thiệu với chúng ta về vị đại thánh này.

1. Đức Cha đã viết về Cp.Charles de Foucauld: “Cả cuộc đời ngài là một lời kinh phó thác. Nơi khác, Đức Cha định nghĩa Chân Phước là “người hướng dẫn cho thời đại của chúng ta”. Khi nhớ đến câu nói của Đức Phaolô VI rằng “con người thời nay tin vào các nhân chứng hơn là các thầy dạy, vào kinh nghiệm hơn là học thuyết, vào thực tại hơn là lý thuyết” (Tđ Loan báo Tin Mừng), thì bằng cách nào CP.Charles de Foucauld đã đ ra một gương mẫu phải theo trong thế giới ngày nay? Làm thế nào chúng ta có thể sống theo mẫu gương y?

Đức Cha Boulanger: Cp.Charles de Foucauld đã trải qua một thời kỳ từ hồi còn bé cho đến năm 28 tuổi khiến anh xúc động mãnh liệt đó là một “đêm đức tin” thần bí. Ngài là một người trẻ mất phương hướng sau cái chết của cha mẹ và ông nội. Ngài đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, giống như nhiều người cùng thời với chúng ta và đặc biệt là các thế hệ trẻ. Ngài có nhiều phương tiện để sống hơn là lý do để sống — một lần nữa, điều này thường xảy ra đối với những người trẻ tuổi. Như thế, ngài đã nói lên rất nhiều điều với giới trẻ ngày nay. Ngài dạy chúng ta đừng thất vọng về Chúa. Thậm chí Ngài còn nói: “Chúa dùng những cơn gió ngược để đưa con thuyền của mình cập bến.”

2. Đức Cha gọi lời kinh phó thác của Cp.Charles de Foucauld đây là hành động dâng hiến, tin tưởng và vâng phục tác động của Chúa, giáo huấn vĩ đại của ngài. Ngày nay, thái độ này gây khó khăn như thế nào đối với chúng ta, những người hiện đại, những người ưa kiểm soát mọi thứ? Trong một tình huống đôi khi dễ đưa tới tuyệt vọng, làm sao chúng ta có thể vượt qua, giống như Cp.Charles de Foucauld, để từ lời than “Cha ơi, sao cha nỡ bỏ rơi con” trở thành “Lạy Cha, con phó trót mình con cho Cha?”

Đức Cha Boulanger: Vào một thời điểm bấp bênh trong cuộc đời, Cp.Charles de Foucauld đã suy niệm về những lời cuối cùng của Đức Kitô trên thập giá. Ngài đã trao dâng tất cả cho Chúa Giêsu, và ơn gọi của ngài bỗng nhiên như bị đặt thành vấn đề bởi vì Bề trên Tu viện đã bảo là ngài không thích hợp với đời sống đan sĩ. Câu nói này của Chúa Giêsu đã trở thành lời cầu nguyện của tất cả đời sống chứng tá của ngài. Ngài đâu biết rằng lời cầu nguyện này sẽ trở thành biểu tượng và hình ảnh của những gì ngài sẽ trải qua. Ngài giao phó đời mình cho Chúa, cho vị linh mục mà ngài coi như cha, đó là cha Huvelin. Chúng ta rất ưa được tiếp xúc trực tiếp với Chúa. Còn Charles de Foucauld lại luôn tin cậy những người mà Giáo hội đã đặt để trên con đường của mình, dù cho đôi khi ngài phản ứng một cách sống sượng: khi cha Huvelin (vị linh hướng của ngài) bảo rằng ngài không thích hợp để dẫn dắt người khác hay lập dòng, Charles de Foucauld vẫn tin tưởng cha dù hết sức ngạc nhiên. Chúa sử dụng sự trung gian của con người nếu chúng ta tin tưởng để Hội Thánh dẫn dắt chúng ta trên con đường nên thánh. Đối với Cp. Foucauld, con đường này dài thăm thẳm: ngài có cảm tưởng như bị Chúa bỏ rơi, nhất là khi chẳng có ai theo ngài làm môn đệ. Ngài coi mình như trái ôliu bị bỏ quên trên cây sau vụ thu hoạch.

3. Liên quan đến việc sử dụng thuật ngữ “Cha” trong lời kinh phó thác, Đức Cha nhấn mạnh về sự biến mất của hình bóng người cha trong bối cảnh văn hóa hiện tại của chúng ta, thậm chí là nó đã chết rồi. Đức Cha cũng viết rằng “con người tội lỗi từ chối tư cách làm cha của Thiên Chúa.” Đức Cha quan niệm thế nào về “cuộc khủng hoảng quyền làm cha” này và về quyền lực của người cha trong xã hội hiện tại của chúng ta? Tại sao hình ảnh về Chúa Cha lại cần thiết cho chúng ta ngày nay?

Đức Cha Boulanger: Từ nhiều năm nay, tôi đã đồng hành cùng một nhà từ thiện trong giáo xứ của tôi và tôi nhận thấy rằng có một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Khủng hoảng mà chúng tôi đang trải qua là những người cha đã trở thành những người đồng tuế. Họ không chấp nhận tư cách làm cha; họ muốn làm bạn với con cái của họ, nên giống như chúng. Đôi khi họ còn trẻ mãi. Để trở thành một người cha, người ta phải chấp nhận bị tước đoạt và chết cho cái tôi của mình. Điều khiến trái tim của một người cha vui thích là được thấy ​​con cái mình lớn lên, trở thành người độc lập, khẳng định bản thân và đôi khi thách thức ông.

Cp.Charles de Foucauld, là đứa trẻ mồ côi (mất cha và mẹ lúc 5 tuổi), đã nhận được ân sủng, bằng cách chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, nhìn nhận Người là Cha: một người cha với tấm lòng của người mẹ. Thánh Phanxicô de Sales nói: “Thiên Chúa ân cần như người mẹ.”

Nhiều bậc cha mẹ ngày nay chỉ sống lệ thuộc vào con cái của họ; họ mong đợi tất cả nơi chúng. Mối quan hệ của họ thường mong manh. Họ không chấp nhận để con cái rời xa họ, sống tự lập. Charles de Foucauld đã may mắn được gặp một người cha đích thực nơi Cha Huvelin. Khi chết, anh có thể nói: “Ngài thực là một người cha.”

4. Đức Cha nhớ lại cái chết của Cp.Charles de Foucauld, ngài bị bắn vào đầu vào ngày 1 tháng 12 năm 1916, ở Tamanrasset, như một kẻ tử vì đạo do những người cuồng tín Hồi giáo nhưng lại là bạn của những người Hồi giáo. Cp.Charles de Foucauld dạy chúng ta điều gì về những vấn đề này?

Đức Cha Boulanger: Cp.Charles de Foucauld luôn muốn trở thành một người bạn của những người Hồi giáo, cũng như với những người ngoại giáo khác như: các binh sĩ, các nhà nghiên cứu, hay người Tuaregs. Về mặt này, ngài luôn phân biệt giữa Hồi giáo và những người theo Hồi giáo, những người mà ngài mắc nợ rất nhiều; bởi vì, kể từ khi ngài thám hiểm Maroc, chính họ là những người đã thức tỉnh niềm khát khao điều tuyệt đối nơi ngài. Ngài không bị mắc lừa vì sự pha trộn chính trị của một thứ đạo Hồi nào đó đang tìm cách thống trị. Ngài hiểu nỗi khó khăn của họ là thế nào khi phải đoạn tuyệt với cách sống của mình. Chúng ta nên nhớ rằng ngài rất thân thiết với những người haratins, những nô lệ da đen phục vụ cho những người Tuareg, những người nghèo trong số các người nghèo.

Vào thời điểm ngài qua đời, ở Tamanrasset, những kẻ cướp định bắt cóc ngài. Ngài là một con tin có giá hồi Thế Chiến thứ nhất để đổi lấy những chiến binh hồi giáo bị bắt. Biểu tượng của đêm đó thật đẹp. Khi tìm được xác ngài, người ta thấy cuốn Phúc âm rơi trên cát: Ngài đang suy gẫm Lời Chúa. Bên cạnh đó là Mình Thánh Chúa mà ngài đang tôn thờ, Thiên Chúa đã trở nên thật âm thầm và bé nhỏ. Đối với ngài, ngài rao giảng Tin Mừng trong thế giới Hồi giáo bằng việc cử hành Bí tích Thánh Thể và Mình Thánh Chúa. Ngài không nói đến sự gần gũi mà nói đến sự hiện diện của Thánh Thể. Chính Chúa Giêsu đã tự hiến cho những người đang chung sống với chúng ta. Cuối cùng, ngài đã viết một lá thư cho em gái trong đó có câu này: “Chúng ta không bao giờ có thể yêu cho đủ.”

Linh đạo Charles de Foucauld dựa trên ba từ: Tin Mừng, Thánh Thể, và Việc rao giảng Tin Mừng. Ngài sống trong một hoàn cảnh cụ thể, giữa những người Hồi giáo, nơi mà từ “ Thiên Chúa” hiện diện trong mỗi câu. Hoàn cảnh của chúng ta khác, có lẽ khó khăn hơn so với hoàn cảnh anh sống: đó là một cảnh vực tục hóa nơi mà từ “Chúa” đã biến mất. Ngài muốn trao hiến mạng sống, bất chấp nguy hiểm, giống như hạt lúa mì gieo xuống đất. Ngài không bao giờ hoài nghi một ngày kia người Hồi giáo sẽ nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài không bao giờ bỏ rơi người Hồi giáo.

5. Vì sao Cp.Charles de Foucauld cũng là một khuôn mặt sáng chói trong việc thiết lập một chủ nghĩa thế tục lành mạnh?

Đức Cha Boulanger: Cp.Charles de Foucauld hiểu rằng không nên áp đặt một nền văn minh hay một tôn giáo lên người khác. Sự việc đó xảy ra không phải bởi vũ lực, nhưng bởi “việc tông đồ bằng lòng tốt, bằng sự gần gũi.” Luật pháp của chúng ta không nên áp đặt lối sống cho các tín đồ. Charles de Foucauld đã phải chịu đựng rất nhiều vì sự hiện diện của thuộc địa Pháp, đặc biệt là ở Algeria, chúng ta đã dùng vũ lực buộc người ta phải sống theo nền văn hóa của chúng ta. Các thủ lĩnh Tuareg buộc phải học tiếng Pháp và nói tiếng Pháp với các quan chức hành chính. Cp.Charles de Foucauld đã dành 11 năm để soạn từ điển Tuareg-Pháp và nói ngôn ngữ của người Tuareg với hy vọng rằng có thể dịch Phúc âm sang ngôn ngữ của họ.

Áp đặt cái nhìn của chúng ta ngày nay lên những người anh em Hồi giáo thật là tai hại. Sẽ luôn có những người theo chủ nghĩa chính thống, nhưng vẫn tin rằng luật pháp có thể áp đặt một lối sống tức là vi phạm đến lương tâm của con người. Chúng ta nên mời gọi người hồi giáo thực hiện các bước này, nhưng không thể ép buộc nguòi ta. Charles de Foucauld rất khổ tâm khi thấy những người theo chủ nghĩa thế tục vào cuối thế kỷ 19 đã buộc người ta phá hủy các đền thờ Hồi giáo để xây các nhà nguyện. Ngài đau khổ chứng kiến nước Pháp vào thời điểm đó (những năm bài giáo sĩ) đã hành xử như thế nào về văn hóa cũng như về tôn giáo!

6. Đức Thánh Cha Phanxicô khi kết thúc thông điệp Fratelli tutti (2020) đề cập đến Cp.Charles de Foucauld. Là một người ái mộ Cp.Charles de Foucauld, Đức Cha có tìm thấy tinh thần của Chân phước trong thông điệp không? Đức Thánh Cha có phải là hậu duệ của Cp.Charles de Foucauld không?

Đức Cha Boulanger: Tôi đã nói chuyện với ngài về điều này. Ngài rất yêu mến Thánh Phanxicô Assisi, đấng đã nói: để trở thành anh em với người nghèo và những người nhỏ bé, bạn phải chấp nhận chính mình. Đó là con đường của Cp.Charles de Foucauld: Mối Phúc đầu tiên liên quan đến những ai có tinh thần nghèo khó. Giống như Thánh Phanxicô, Cp.Charles de Foucauld cần thời gian để chấp nhận sự nghèo nàn của mình và trở nên bé nhỏ. Không trở nên bé nhỏ thì không thể trở thành bạn của các em nhỏ được. Đức Thánh Cha Phanxicô đã diễn giải thành ngữ này rất hay: ngài nhắc lại rằng chỉ người nào nhỏ bé mới có thể trở thành anh em với Charles de Foucauld.

(Bài phỏng vấn do Augustin Talbourdel thực hiện – LM Gioan-Maria chuyển ngữ)