Đề tài 5: ĐỐI THOẠI TRONG HÀNH TRÌNH THIÊNG LIÊNG CỦA ANH CHARLES

Đề tài 5: ĐỐI THOẠI  TRONG HÀNH TRÌNH THIÊNG LIÊNG CỦA ANH CHARLES

 

Anh Charles đã sống trước Công Đồng Vatican II sáu mươi năm. Vì thế, khái niệm về đối thoại liên tôn như chúng ta hiểu ngày nay trong Giáo hội hoàn toàn xa lạ với anh. Tôi tin như thế, cho dù anh đã là một người tiên phong mở đường cho Công Đồng về chiều kích phổ quát của sứ mạng Giáo hội., về việc vận động một cuộc đối thoại giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo trong tư cách như thế, vẫn không đi vào trong các phạm trù của Công Đồng. Anh đã sống với thần học thời của anh trong ám ảnh nối kết với các người Hồi giáo để cứu “các linh hồn mê muội” khi làm cho họ nhận biết Đức Kitô.

Hơn nữa, anh đã hoàn thành sứ mạng của anh trong một bối cảnh xã hội chính trị nhất định. Nước Pháp, vào thời của anh, đang mở rộng đế chế thực dân trên một phần lãnh thổ Châu Phi. Nhiều người nghĩ rằng vào thời đại đó nước Pháp đã làm những công trình khai hóa và đã có thể đem đến những kiến thức cần thiết để giải phóng những dân tộc bị đô hộ khỏi cảnh khốn khổ và nạn mù chữ. Anh Charles đã gắn chặt vào mục tiêu này. Do đó, anh đã không thấy trong Hồi giáo vào thời của anh là một tôn giáo có một uy tín riêng của nó, lịch sử của nó, những trào lưu khác biệt của nó với một vài lãnh vực trong đó các kitô hữu có thể đi vào cuộc đối thoại được.

Mặc dù Hồi giáo đã khiến anh bị quyến rũ, vào một lúc nào đó trong cuộc sống của anh, và cuộc gặp gỡ với những người Hồi giáo đã tạo cho anh một giai đoạn khả quan trên con đường hoán cải của anh, anh đã không tán thành cái nhìn của Công đồng về Hồi giáo, theo đó thì “Giáo hội cũng tôn trọng các tín đồ Hồi giáo, vì họ cùng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, Đấng Tạo Thành trời đất, đã từng đối thoại với con người…” ((Nostra Aetate, n.3). Do đó, Anh đã không ở trong vấn đề thần học của Công đồng Vatican II. Công Đồng đã nhìn nhận trong các tôn giáo không kitô sự hiện diện của “hạt mầm Ngôi Lời” có thể tạo nên nền tảng cho việc đối thoại với các tín đồ của một tôn giáo khác.

Tuy nhiên, đối với tôi, người ta vẫn có thể coi Anh Charles như một người Tiền hô của đối thoại. Vì anh đã thiết lập với các dân Hồi giáo anh đã gặp gỡ, cách riêng với những người Touareg, một “cuộc  đối thoại bằng đời sống” đã được giới thiệu sau đó trong Thông điệp “Ecclesiam Suam” của Giáo hoàng Phaolô VI vào năm 1964, như nền tảng căn bản của mọi cuộc đối thoại : “Chúng ta không cứu thế giới từ bên ngoài; phải như Ngôi Lời Thiên Chúa, Người đã làm người, đồng hóa, trong một mức độ nhất định, với  những hoàn cảnh đời sống của những người chúng ta muốn đem sứ điệp của Đức Kitô đến cho họ… Phải chia sẻ những tập tục của cộng đồng, miễn là chúng mang tính nhân bản và lương thiện, đặc biệt những người bé mọn nhất, nếuchúng ta muốn được lắng nghe và được thông hiểu.  Ngay cả trước khi nói, phải biết lắng nghe tiếng nói và hơn nữa trái tim của con người… Phải làm cho mình trở thành anh em của con người… Bầu khí của đối thoại chính là tình bạn” (n.87).

Như thế, anh Charles, trong khi hiến dâng tất cả năng lực và một phần lớn thời gian của anh để học ngôn ngữ của người Touareg mà anh chia sẻ cuộc sống, trong khi mở rộng các cuộc đàm thoại rất đơn giản về những thực tại của cuộc sống đời thường của họ, trong khi đi vào thi văn của họ và như thế để tìm hiểu thiên tài của dân tộc này, anh đã biết mở ra, qua việc đối thoại với những vị khách của cha, một bầu khí tin tưởng đến độ anh đã trở nên “một người bạn” của nhiều người.  Như thế, anh đã chứng tỏ rằng sứ mạng của Giáo hội, cũng chính là khơi dậy tình anh em, trong sự tôn trọng những nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, như sau đó Giáo hội đã sử dụng trong nhiều quốc gia trên hành tinh, sẵn sàng cho những cuộc mở cửa của Công Đồng Vatican II.   

Do đó, chúng ta có thể nhìn nhận, đối với các linh mục của Huynh đoàn linh mục Jesus-Caritas, Anh Charles đã mở ra cho chúng ta một linh đạo đối thoại, có thể còn gợi lên cho chúng ta, trong những cuộc gặp gỡ chúng ta sống, không những với các người Hồi giáo mà còn với tất cả những ai không chia sẻ niềm tin với chúng ta.  Như thế, con đường đối thoại anh đã mở ra với người Touareg đã được triển khai dưới nhiều dạng thức căn bản:

  • Anh đã biết xuất ngoại để đến dìm mình trong xứ sở của người khác. Anh đã thực hiện việc di chuyển mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “một Giáo Hội đi ra”. Anh đã ước muốn được dân này tiếp đón và trở nên trong mức độ có thể “một người trong họ”. Và anh đã làm cho việc thực tập ngôn ngữ của họ thành một công trình mầu nhiệm, vì đối với anh, nó như ở trong một tuyến đường Nhập Thể của Đức Kitô trong nhân loại này mà Ngài đến cứu chuộc.
  • Mặc dù khao khát lớn nhất của anh là những người Hồi giáo trở lại với đức tin Kitô giáo, nhưng anh không bao giờ dùng một áp lực nào để dạt đến mục đích ấy. Anh luôn tôn trọng tự do của họ. Vào năm 1908, anh đã nhìn nhận mình không làm cho một người nào trở lại và đã kết luận đó chắc chắn không phải là ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng anh ở lại giữa dân Touareg này nhân danh giao ước anh đã ký kết với dân ấy, chỉ vì để làm cho xong con đường tiến đến tình huynh đệ với dân này.
  • Mục đích của anh: trở nên bạn của người khác. Trong một lá thư anh viết cho một người viết thư cho anh, anh nói rõ đặc tính của mối liên hệ anh muốn chọn với những người Hồi giáo ở chung quanh anh: “Trước tiên phải im lặng dọn đất bằng lòng tốt, một tiếp xúc thân tình, gương tốt; yêu thương họ thật lòng, làm cho mình được họ quý trọng và yêu mến. Nnhững việc đó sẽ đánh tan hết những thành kiến, chiếm được lòng tín nhiệm, cầm được quyền hành – điều này cần phải có thời gian – tiếp theo hãy nói một khi đã được sắp xếp tốt nhất, rất thận trọng, dần dần, mỗi lần một ít, nói cách khác nhau, để cho mỗi người, tùy theo khả năng, có thể tiếp thu.” Thay vào việc có thể loan báo rõ ràng Tin Mừng, anh đã muốn chính con người của anh trở nên sự hiện diện của Tin Mừng. Đó chính là điều anh muốn khi nói “rao giảng Tin Mừng không bằng lời nói nhưng bằng cả cuộc sống của mình.” 
  • Anh đã biết điều chỉnh cái nhìn mà Thiên Chúa nhìn những người Hồi giáo anh đã gặp gỡ. Trước tiên, anh không nhìn họ là “những người không tin” hoặc “những người ngoại đạo”, nhưng trong ước muốn trở nên một người anh em phổ quát của anh, anh đã nhìn nhận họ như “những người anh em thân yêu, những người con của Thiên Chúa, những linh hồn được máu Đức Giêsu cứu chuộc, những linh hồn yêu quý của Đức Giêsu”. 
  • Anh đã làm hiện rõ khuôn mặt của một Giáo hội phục vụ. Anh không chỉ bằng lòng sống với họ, nhưng anh còn đóng góp, trong những khả năng của anh, vào việc cải thiện hoàn cảnh sống và phát triển đất nước của họ. Anh đã tranh đấu chống lại nạn nô lệ, chiến đấu với bệnh tật, đem thuốc men vào đất nước nghèo khổ này, đem những kỷ thuật nông nghiệp mới và những phương tiện truyển thông đến cho họ. 
  • Mỗi lần với ai anh có thể, anh đã mở một cuộc đối thoại thiêng liêng với những người Hồi giáo. Chắc chắn anh không tán thành chút nào giáo thuyết của Hồi giáo. Nhưng anh nhìn nhận một điểm chung với đức tin Kitô giáo: hai điều răn yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương người lân cận như chính mình. Trên nền tảng này, anh đã mở ra nhiều cuộc đối thoại với các bạn Hồi giáo của anh, chứng tỏ cho họ thấy trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, hai điều răn này có thể được tỏ rõ trong những mối quan hệ thường ngày như thế nào.
  • Cuối cùng, và không phải là một trong những yếu tố nhỏ nhất của đối thoại, anh đã làm cho mầu nhiệm vượt qua thành con đường huy hoàng của đối thoại. Vì, trong khi không ngừng chiêm ngắm cuộc đời của Đức Kitô ở Nazarét, anh đã đi như Ngài con đường khiêm tốn, nghèo khó, lắng nghe và chết cho bản thân trong việc gặp gỡ người khác. Anh đã tỏ ra như thế qua suốt cuộc sống của anh rằng “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống mình cho những người mình yêu”.

Khi tự giới thiệu mình như “một người khai phá”, anh đã chứng tỏ cho chúng ta rằng đối thoại bằng cuộc sống làm thành một phần toàn bộ của sứ mạng Giáo hội.

 

Jean-Francois BERJONNEAU

Nhóm quốc tế

Chuẩn bị lễ Phong Thánh Anh Charles de Foucauld

22.1.2021

Lm FX Lê Văn Nhạc

chuyển ngữ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *